Hoặc là, lũ bạn thân thương sẽ ghép tên mình với đặc điểm nhận dạng của chính chủ. Như: Thủy “tăng trọng”, vì gì ai cũng biết; Yến “sếu”, vì kều quá; Hoàng “ỉn”, khỏi giải thích; Khải “khỉ”; Mạnh “trố”; Long “vổ”; Huyền “rô”; Tuyền “bò”... đều ghép với những đặc điểm hình hài, thái độ cá nhân.
Hồi 7 tuổi, tên “húy” của tôi là Vũ “dưa củ thối”. Giờ mới tiết lộ ý nghĩa bí mật của “dưa củ thối”. Tôi có đứa em lúc đó ốm yếu dặt dẹo, và lúc nào cũng phải bế em. Chơi với bạn cũng phải cho nó đi cùng. Buổi tối lại bế nó đi xem vô tuyến bên phố Nguyễn Trường Tộ. Lúc nào thằng bé sáng láng ấy cũng thoang thoảng “mùi” vì lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết gọi để giải quyết “nỗi buồn”. Lũ bạn phố tẩy chay tôi vì cái mùi và đặt biệt danh ấy. Tôi cay mũi lắm nhưng nhận luôn cái tên “húy” đó mà giấu biệt việc của đứa em.
 |
Học sinh lớp 9 trường THCS Thái Hòa, huyện Ba Vì đi học trực tiếp trở lại ngày đầu tiên. Ảnh: TTXVN.
|
Kể là kể vui cho người cũ nhớ thuở ấy. Thời năm nảo năm nào cổ tích còn những cái tên ghép khác thú vị vô cùng. Tôi có ông bạn nhà bánh cốm gia truyền Hàng Than, hay gọi là Bình “cốm”. Cái Thảo Hàng Đường nhà làm mứt với ô mai thì gọi là Thảo “mai”. Thằng Bát “bột” ở gần chợ Châu Long có truyền thống gia đình 3 đời xay bột trẻ em. Hoài “hương” Hàng Điếu se hương theo cụ tổ, đến lớp tay vẫn thơm lừng. Nhưng đặc biệt, gần như mọi thằng Hải đều bị gọi là Hải “dớ”. Vì sao ấy nhỉ!?
Lại có kiểu ghép tên với biệt danh là tên phố. Cách gọi này thường vào thời trai gái học cấp 3. Trong Facebook tôi có chị Hằng “Bát Đàn”. Xưa còn chơi với Nam “Hàng Bún”, Tuấn “Hàng Cân”, Tùng “Thuốc Bắc”, Quốc “Ngõ Gạch”...
Rồi những cái tên lừng lẫy một thuở, hẳn nhiều người còn nhớ những Lâm “toét”, Thọ “hói”, Năng “ve”... cà phê. Rồi những Lưu “kim cương”, Vĩnh “vàng”, Tố “chinh”... tiền vàng trang sức. Nhiều lắm những cái tên “húy” Hà Nội!
Cơ quan y tế cơ sở chỗ mẹ tôi làm xưa cũng có những biệt danh gắn với công việc đặc thù. Thúc “cần”, Tần “dại”, Đại “hủi”... Ấy là những cán bộ ngành y làm công tác cai nghiện, tiêm phòng dại, đặc trách bệnh phong. Toàn những bệnh rất phổ biến hồi đó.
Nhưng Hà Nội còn một lớp người học hành chữ nghĩa nữa. Dân theo sử thì gọi những anh tài ghép với giai đoạn chính chủ theo đuổi, kiểu Lâm “Lý”, Long “Lê”, Dụng “Trần”, Tân “Mạc”...
Ta đã gọi nhau và nhận diện nhau bằng những “mảnh ghép” một phần đời nhau như thế. Và tuổi trẻ thật nhạt nếu tên ta không được ghép với một thứ gì. Hẳn đã nhiều mảnh ghép với tên ta đã bị thời gian rửa tuột, chẳng còn dấu vết, chẳng còn mùi. Nhưng giờ nếu ai đụng đến mảnh bỏ quên ấy thì có gì bừng lên không?
Ngày xưa, tên quý vị được ghép với gì? Bạn bè gọi bạn là gì?
Tản văn của NGUYỄN ANH VŨ