QĐND Online - Bộ VH, TT & DL đã có văn bản đề nghị đưa di tích Bãi cọc Bạch Đằng trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là “Di tích Quốc gia đặc biệt”. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á trao đổi về những nội dung tôn tạo, phát huy giá trị di tích đặc biết này.
- Thưa TS Nguyễn Việt, là người gắn bó với vùng đất Quảng Yên và có nhiều công trình nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng, ông có suy nghĩ gì khi Bãi cọc Bạch Đằng được xếp hạng là “Di tích Quốc gia đặc biệt”?
- Trước hết, việc đề xuất xếp hạng quần thể Bãi cọc Bạch Đằng của thị xã Quảng Yên thuộc hệ thống “Di tích Quốc gia đặc biệt” cho thấy Nhà nước đã đánh giá đúng tầm giá trị của “quần thể Di tích Bạch Đằng” trong đời sống văn hóa, xã hội hiện tại của dân tộc và của khu vực. Việc xếp hạng như vậy đối với di tích có vẻ hơi chậm, nhưng không phải là quá muộn.
Di tích Bạch Đằng đã quá nổi tiếng trong sử sách, thi ca, nhưng lại rất khó nhận biết bằng những dữ kiện “vật thể lịch đại”. Đặc điểm của chiến trường là vậy. Nếu nó gắn với một thành lũy hay một vùng núi đồi, đồng đất cụ thể thì còn đỡ, đây lại là một vùng bãi sình lầy cửa sông ven biển. Ngay cả cho đến tận ngày nay, đâu là nơi Ngô Quyền và Lê Hoàn đóng cọc dựng trận Bạch Đằng những năm 938 và 981 vẫn còn là những câu hỏi để ngỏ. Sông Bạch Đằng gắn liền với một vùng tâm linh liên quan đến Trần Hưng Đạo và chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đáng được coi là một di tích đặc biệt ở Quảng Ninh...
- Bãi cọc Bạch Đằng và chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 không chỉ là chiến thắng mang tầm vóc Việt Nam mà còn mang tầm thế giới. Vậy theo ông để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, chúng ta cần phải làm gì?
Quả đúng là việc xếp hạng "Di tích Quốc gia đặc biệt" không khó bằng việc sẽ bảo tồn và phát huy quần thể di tích Bạch Đằng như thế nào, nhất là khi đánh giá nó mang tầm quốc gia và quốc tế.
 |
Khai quật bãi cọc Bạch Đằng
|
Về công tác bảo tồn, tôn tạo di tích bãi cọc Bạch Đằng thì rõ ràng điểm khó khăn nhất là việc tạo ra cảm nhận trực quan cho du khách thông qua những hình ảnh và hiện vật cụ thể. Nếu không, chính chúng ta và khách tham quan sẽ không cảm nhận được sự oai hùng của Bạch Đằng mà dễ bị “hụt hẫng”, buồn tẻ trước thực trạng đơn điệu như hiện nay của “Bãi cọc Bạch Đằng”.
Có hai vấn đề khó với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lịch sử Bạch Đằng. Thứ nhất là phạm vi di tích quá rộng và dàn trải. Thứ hai, trái ngược với phạm vi rộng, dàn trải thì di vật lại rất thưa thớt và khó nhận thấy. Từ năm 2006, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng trực thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đặt ngay tại khu vực chiến trường Bạch Đằng xưa (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên) với hy vọng sẽ tìm được nhiều chứng tích chiến trận Bạch Đằng, trong đó hy vọng lớn nhất nhằm tìm kiếm dấu tích thuyền bè cháy, chìm trong chiến trận năm xưa.
Cho đến nay, chúng tôi mới tìm thấy cọc và xương cốt người. Trong các dịp công tác Trung Quốc, Nhật Bản và ngay cả ở CHLB Đức vừa qua, tôi đã gắng tìm hình ảnh những thuyền bè của những người lính Nguyên Mông và vũ khí của họ khi đó. Chúng ta cũng đã có nhiều di vật trong nước gắn với thế kỷ 13 của nhà Trần. Vì thế, trong khi một mặt vẫn kiên trì công tác thăm dò, điều tra, khai quật để gom nhặt tư liệu vật thể liên quan đến chiến trận Bạch Đằng, chúng ta đã có thể bắt đầu với việc trưng bày giới thiệu về văn hóa thời Trần và tư liệu văn hóa liên quan đến Nguyên – Mông nhằm trang bị nền tảng kiến thức để hiểu về thời Trần và chiến thắng với Nguyên Mông.
- Vậy theo ông, phương pháp nào sẽ tạo được hiệu quả?
Chúng ta nên bắt đầu từ việc phục dựng các hiện vật liên quan đến Bạch Đằng như: Việc phục dựng thuyền bè hiện nay có thể tiến hành với thuyền chiến Nguyên Mông do có nhiều hình ảnh và khai quật thuyền đắm đương thời làm cơ sở. Về thuyền bè thời Trần, đáng tiếc vẫn chưa có tư liệu nào đáng tin cậy.
Xây dựng bảo tàng Bạch Đằng phải là một bảo tàng riêng biệt và được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, quy mô phục vụ trưng bày chuyên đề về thời Trần, Nguyên và trận Bạch Đằng...
Việc chúng ta có thể tránh được những nhàm chán, kém hấp dẫn, đôi khi “hiệu ứng ngược” như hiện trạng của “bãi cọc Bạch Đằng” cho đến nay hay không, một mặt phụ thuộc vào sự đầu tư và tính hấp dẫn của phần trưng bày về thời Trần và văn hóa Nguyên Mông, mặt khác bị chi phối rất nhiều ở công cuộc điều tra, phát hiện và nghiên cứu những chứng tích chiến trận xưa. Vì thế, cần xác định một nhiệm vụ để bảo tồn và phát huy di sản Bạch Đằng là tiếp tục đầu tư kinh phí dài hạn để điều tra điền dã khảo cổ học mang tính lâu dài và hệ thống để cung cấp bổ sung tư liệu cho một Bảo tàng Bạch Đằng chuyên biệt.
- Là người đã đi nhiều, ông thấy kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong điều kiện tương tự như với di tích Bạch Đằng thế nào?
Từ bảo tàng để chiêm nghiệm một bài học lịch sử nhằm cùng nhau sát cánh vươn tới một nền hòa bình vĩnh cửu cho các dân tộc.
Việc xây dựng một bảo tàng ngoài trời ở ngay di tích là cần thiết. Ngoài ra cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học mới chuyên đề về trận Bạch Đằng để đạt được nhận thức mới nhất về diễn biến chiến trận giúp cho việc làm một sa bàn quy mô lớn với các thiết bị trình chiếu, điều khiển hiện đại và hấp dẫn nhất đối với du khách.
Trong các hoạt động tham quan bảo tàng và lễ hội cũng không quên gắn giáo dục lịch sử với các trò chơi ứng dụng như tính biên độ thủy triều, chèo thuyền, chế cọc, đóng cọc, lặn đục thuyền, bắt vịt, chế lửa, đánh hỏa công, bắn cung nỏ và võ dân tộc… được đưa vào sinh hoạt bảo tàng và các dịp lễ hội....
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Ngô Đình Dũng (thực hiện)