Ngày 22-12-1944, theo chỉ đạo của Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo chính thức được thành lập. Ngay sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cho tổ chức tờ báo đầu tiên của quân đội cách mạng, tờ Tiếng súng reo, báo viết tay, nhằm phục vụ nội bộ bộ đội và các tổ chức quần chúng cách mạng trong vùng. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng là tiền đề cho những tờ báo tiền thân khác của Báo QĐND ra đời, như tờ: Quân Giải phóng, Sao Vàng, Vệ Quốc quân, Quân Du kích. Tháng 7-1950, theo chỉ thị của Bác Hồ và Đại tướng-Tổng Tư lệnh, hai tờ Vệ Quốc quân và Quân Du kích sáp nhập thành Báo QĐND. Tờ báo vinh dự được Bác Hồ đặt tên và ra số đầu tiên vào ngày 20-10-1950. Trong chặng đường xây dựng, phát triển của Báo QĐND, Đại tướng đã thường xuyên chỉ đạo và là tác giả của rất nhiều bài báo trên các tờ báo tiền thân và Báo QĐND. Đại tướng không chỉ quan tâm, theo dõi Báo QĐND hằng ngày, ông còn nhiều lần đến thăm tòa soạn và gửi thư khen ngợi, động viên cán bộ, phóng viên của báo. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh với Ban biên tập và cán bộ Báo Quân đội nhân dân nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên (20-10-2010). Ảnh: TRẦN HỒNG. 

Sau một thời gian chuẩn bị, được sự đồng ý của Tổng cục Chính trị và Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, ngày 22-12-2002, đúng dịp kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Báo QĐND từ 4 trang lên 8 trang chính thức ra mắt bạn đọc. Trong niềm vui ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư chúc mừng. Bút tích của Đại tướng được đăng trên trang nhất số báo ngày 22-12-2002: “Nhân dịp báo ra 8 trang, chúc Báo QĐND thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và góp phần động viên các lực lượng vũ trang nhân dân phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Trước đó, khi được Ban biên tập Báo QĐND đến báo cáo về chủ trương tăng trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại tướng hỏi cặn kẽ về kế hoạch, chủ trương, nội dung và sự chuẩn bị. Đại tướng không chỉ ủng hộ mà còn luôn dõi theo các số báo sau đó.

Kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4-2005) và 55 năm Ngày ra số báo đầu tiên (20-10-2005), Báo QĐND phối hợp với Tập đoàn Mai Linh và Tổng công ty Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội) tổ chức cuộc hành quân xuyên Việt mang tên “Tiếp lửa truyền thống-Vang mãi khúc quân hành”. Đây là cuộc hành quân “độc nhất vô nhị”, “lớn về quy mô, dài về thời gian, rộng về không gian, sâu về ý nghĩa”, đưa hơn 1.000 đại biểu là Anh hùng LLVT nhân dân, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, các nhân chứng lịch sử tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước về TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, đoàn có mặt tại Dinh Độc Lập lúc 11 giờ ngày 30-4, một số đại biểu sẽ tham dự mít tinh kỷ niệm. Cuộc hành quân bằng ô tô, xuất phát sáng 19-4 từ Đền Hùng (Phú Thọ). Lễ xuất quân được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tối hôm đó, các đại biểu vô cùng xúc động, phấn khởi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và phát lệnh hành quân. Đại tướng nói: “Tôi hoan nghênh cuộc hành quân “Tiếp lửa truyền thống-Vang mãi khúc quân hành” từ đất Tổ Hùng Vương đến TP Hồ Chí Minh. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tôn vinh đồng bào và chiến sĩ trên khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam trong 30 năm qua đã hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúc các đồng chí lên đường thắng lợi”. Đại tướng dừng lại giây lát, rồi nói thêm: “Nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Cả hội trường lắng nghe từng lời phát biểu, căn dặn của Đại tướng. Bỗng chốc, tiếng vỗ tay vang như sấm dậy, nhiều đại biểu nghẹn ngào, không cầm được nước mắt.

Năm 2007, kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Báo QĐND phối hợp cùng Liên đoàn Xe đạp-Mô tô thể thao Việt Nam tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2007, Cúp Báo QĐND”. Năm 2009, Báo QĐND tiếp tục cùng liên đoàn tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ-2009, Cúp Báo QĐND” kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5). Những lần đó, Đại tướng đều gửi thư cho Ban tổ chức cuộc đua và đoàn đua. Bức thư ngày 4-7-2007 của Đại tướng có đoạn: “Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2007, Cúp Báo QĐND” tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ là rất ý nghĩa trong công tác đền ơn đáp nghĩa và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ người Việt Nam. Tôi hoan nghênh cuộc đua, chúc cuộc đua an toàn, thắng lợi”. Trong quá trình cuộc đua, từ Hà Nội vào đến Thành cổ Quảng Trị, Đại tướng thường xuyên cho Văn phòng gọi điện tới Ban tổ chức cuộc đua thăm hỏi, theo dõi. Những tình cảm mà Đại tướng dành cho Báo QĐND thật đáng quý và đáng trân trọng.

BẢO CHÂU