Tôn vinh đạo học, khuyến khích lao động

Khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng mồng 6 tháng Giêng (ngày 15-2) có đông đảo đại biểu, người dân và du khách xếp hàng ngay ngắn, trang nghiêm để thực hành lễ khai bút. Đây là năm thứ hai Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng phối hợp với UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức Lễ khai bút tại đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trước giờ khai hội, gia đình anh Nguyễn Đức Long và chị Nguyễn Cẩm Nhung (sống và làm việc tại TP Hà Nội, quê ở TP Hải Phòng) đưa hai con đến dự và chọn giấy, bút, mực để tham gia viết chữ. Con gái của anh chị là cháu Nguyễn Phương Linh đang học lớp 5 ở một trường tiểu học của Hà Nội háo hức kể: “Hai năm nay, mỗi lần về quê đón Tết với ông bà nội, cháu lại mong được đến đây để viết chữ. Cháu rất thích ngắm nét chữ của các ông bà, các bác và các bạn. Ai cũng viết rất đẹp. Năm ngoái cháu đã viết chữ “Học”, năm nay cháu sẽ viết chữ “Tài” để vừa chăm chỉ học, vừa cầu mong may mắn tới đây thi đỗ vào một trường chuyên THCS của Hà Nội”.

leftcenterrightdel

 Tái hiện nghi thức vua đi cày tại Lễ hội tịch điền Đọi Sơn năm 2024. Ảnh: TRẦN HUẤN

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Ngọc Lân, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Trải qua bao đời, phong tục này đã được các thế hệ người Việt trân trọng, gìn giữ và trở thành giá trị di sản văn hóa phi vật thể có sức lan tỏa trường tồn. Lễ khai bút là hoạt động để ngành giáo dục Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy tinh thần hiếu học, góp thêm người tài cho đất nước.

Trên cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), trong không khí ấm áp sáng mồng 7 Tết Giáp Thìn (ngày 16-2), khi phóng viên hỏi chuyện, cụ ông Nguyễn Ngọc An (74 tuổi) nở nụ cười hồn hậu rồi bày tỏ ông rất tự hào khi năm nay lại được mời đóng vai vua xuống đồng cày ruộng, khai hội tịch điền Đọi Sơn năm 2024, mở đầu cho vụ mùa mới.

Năm 2024 là lần thứ 16 lễ hội được tổ chức vẫn với những nghi thức truyền thống đậm chất nông nghiệp của Hà Nam. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội tịch điền Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch của địa phương, ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, quy hoạch không gian lễ hội tịch điền làm cơ sở triển khai các dự án, kế hoạch gắn phát triển du lịch với di sản văn hóa của tiểu vùng Đọi Sơn, tạo sự đặc thù dựa vào những giá trị nổi bật, chân thực về di sản văn hóa-lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương”.

Những ngày đầu xuân, trên vùng rẻo cao, hình ảnh đồng bào các dân tộc thiểu số xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống thực hành các nghi lễ truyền thống xuống đồng và trình diễn các điệu nhảy, múa, đàn, hát dân ca mang đậm âm hưởng núi rừng. Năm nay, Lễ hội Lồng Tông hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng-một lễ hội mang ý nghĩa văn hóa tâm linh độc đáo, đậm giá trị nhân văn của đồng bào dân tộc Tày (đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia) được huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức vào ngày 17-2 (mồng 8 tháng Giêng). Lễ hội Lồng Tông chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn của đồng bào Tày gắn với khuyến khích, cổ vũ người dân hăng say lao động để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Gìn giữ những giá trị nhân văn của lễ hội

Theo đánh giá của bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công tác quản lý, tổ chức mùa lễ hội 2024 ngay những ngày đầu xuân đã có những tín hiệu vui. Các lễ hội truyền thống lớn, kéo dài thời gian thu hút sự quan tâm và tham gia của người dân và du khách, như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Bái Đính, ở các khu di tích lịch sử... diễn ra khá thuận lợi. Bên cạnh đó, năm nay nhiều địa phương đã tiếp tục đề xuất được tổ chức những lễ hội trong sự phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu nhằm khôi phục những giá trị lịch sử văn hóa gắn với địa phương, góp phần làm phong phú và bổ sung thêm nhiều lễ hội độc đáo, mang giá trị nhân văn, khoa học gắn với với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

“Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 3-8-2023, được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh”, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.

Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.

HÀ TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.