Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa 12 thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2008.
Sau 10 năm thi hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 137/NQ-CP ngày 31-12-2017, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề án “Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ” trình Chính phủ vào năm 2022, để có cơ sở xây dựng dự án Luật.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Phải tuyên truyền để thấy rõ hành vi bạo lực gia đình là xâm phạm quyền con người. Phòng, chống bạo lực gia đình là của toàn bộ xã hội chứ không phải chỉ của cơ quan nhà nước, nếu chỉ có chính quyền thì không được mà phải huy động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và tất cả cộng đồng cùng tham gia.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, mức độ vi phạm bạo lực gia đình đã rõ, phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp thì công khai, minh bạch nhưng hành vi vi phạm thì nhất định phải xử lý nghiêm. Một số vụ việc, hành vi có thể bị khởi tố theo quy định của pháp luật thì mới có tác dụng giáo dục.
 |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, 10 năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện Luật: Xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục chuyển đổi hành vi của người dân, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng; xây dựng, tiến hành các giải pháp, hành động can thiệp, xử lý nhằm chấm dứt bạo lực gia đình.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ Trung ương tới cơ sở nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiểu biết và nhận thức của người dân và toàn xã hội đã được nâng lên, hành vi bạo lực gia đình được nhận diện và từng bước giải quyết theo quy định của pháp luật; xây dựng và phát triển các cơ sở hỗ trợ giải quyết bạo lực gia đình ngay từ cộng đồng; huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
 |
Quang cảnh Hội nghị. |
 |
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao bằng khen cho các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác PCBLGĐ. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong thực tế, bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng, cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Để có thể nhìn rõ những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, những khoảng trống hay sự trùng chéo trong các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị nhằm đưa ra các bài học kinh nghiệm trong 10 năm qua để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Để nâng cao việc thực thi Luật, Bộ VHTTDL đã tổng hợp ý kiến kiến nghị từ các Bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào các ý kiến sau: Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng quy định rõ một số khái niệm và gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ; Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác gia đình các cấp; Lồng ghép nhiệm vụ PCBLGĐ trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Để PCBLGĐ mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng sẽ góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, cộng đồng an toàn, lành mạnh và gia đình thật sự đầm ấm, hạnh phúc, phát triển bền vững.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN