Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu.
Ngày 5-11-2009, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương được thành lập với mục đích là để phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực in, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng chống in lậu. Đến nay, cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố có đội liên ngành phòng, chống in lậu.
Qua kiểm tra của Đoàn/Đội liên ngành Trung ương và địa phương đã phát hiện vi phạm hành chính hàng nghìn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tiêu hủy hàng triệu xuất bản phẩm vi phạm, kịp thời chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
 |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THẢO ANH |
Các đại biểu tham dự đánh giá: Nguồn lực hạn chế; thiếu sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan liên quan; chậm đổi mới công nghệ; các quy định và luật pháp về in lậu có thể còn thiếu rõ ràng hoặc không được cập nhật kịp thời, gây khó khăn trong việc áp dụng và thực thi…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong 15 năm qua, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống in lậu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, một số kiến nghị, giải pháp được đưa ra đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, có chế tài đủ sức răn đe về in lậu, tập trung vào các vi phạm trên không gian mạng; xây dựng quy chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đầu tư nhân lực, vật lực; tăng cường phổ biến pháp luật, tuyên truyền về tác hại của sách giả, sách lậu…
MỘC LAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Sách giả, sách lậu là vấn nạn trong suốt thời gian qua, gây ra nhiều hậu quả như: Làm sai lệch nội dung, kiến thức tiếp nhận của người đọc; ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính; làm thất thu ngân sách nhà nước.