Biết thổi sáo từ khi còn học THPT, nhiều bạn trẻ vẫn yêu thích cây sáo khi đã trở thành sinh viên đại học. Ngày chưa bước chân vào giảng đường, một phần do chưa gần với phong trào chơi sáo trúc, phần khác do không có điều kiện tiếp cận nhiều với sáo nên niềm đam mê của các bạn thường chỉ dừng lại ở việc tập thổi và biết thổi. Khi bước chân vào giảng đường đại học, được tiếp cận với phong trào chơi sáo của các bạn sinh viên, nhiều bạn đã hòa nhập rất nhanh với phong trào chơi sáo trúc.

 Câu lạc bộ Sáo trúc Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Từ khi thành lập năm 2012 đến nay, CLB đã trở thành sân chơi, nơi giao lưu văn hóa-văn nghệ của các bạn sinh viên yêu sáo trúc. Vũ Nhật Tâm, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: CLB là sân chơi rộng mở cho tất cả các sinh viên có niềm đam mê và yêu cây sáo trúc, yêu thích nhạc cụ dân tộc. Hiện nay, số thành viên CLB là hơn 30 người. Tất cả các bạn trong CLB đều là những người đam mê, có những kiến thức căn bản về âm nhạc và sáo. CLB sáo trúc của nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, tổ chức tập luyện cho các thành viên tham gia các cuộc thi âm nhạc và thi sáo của khu vực. Đầu năm 2016, bạn Nguyễn Văn Dũng, thành viên CLB đã lọt vào tốp 6 thí sinh xuất sắc của khu vực trung du và miền núi phía Bắc với phần thi năng khiếu độc tấu sáo trong cuộc thi "Hành trình tỏa sáng".

Hiện nay, phong trào thổi sáo phát triển khá mạnh, nhưng việc tìm và mua được những cây sáo chuẩn để chơi với nhiều bạn sinh viên không hề dễ dàng. Vì thế, CLB đã chia sẻ với các bạn đam mê loại nhạc cụ này những cây sáo do chính sinh viên làm ra. Ngoài tổ chức các buổi giao lưu trong các chương trình văn nghệ tại trường, CLB còn tham gia biểu diễn tại nhiều ký túc xá của các trường đại học khác trên địa bàn tỉnh… Hoạt động này giúp các bạn trẻ Thái Nguyên có môi trường học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm. Qua đó, tình yêu đối với loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc đã có cơ hội lan tỏa.

Bài và ảnh: THANH PHONG