Hơi thở di sản trong lòng phố

Cùng với nhóm bạn đến từ Nhật Bản, Kudo Akiko (24 tuổi) hào hứng theo dõi nhóm nghệ sĩ trẻ Hà Nội trình diễn nghệ thuật xẩm với những thanh âm réo rắt của đàn nhị cùng tiếng sênh phách đệm nhịp cho lời hát xẩm tàu điện mộc mạc. Akiko cho biết, trước khi đến Việt Nam, cô đã khám phá được Chương trình “Xẩm trong phố” của nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ trên fanpage Trung tâm Xúc tiến và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) với lịch biểu diễn từ tháng 2-2023. Khi tới Hà Nội, Akiko đã rủ các bạn tới không gian văn hóa của các nghệ sĩ đặt tại phố Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng) để thưởng thức.

Tổ chức vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu của VICH đã tạo nên điểm đến trải nghiệm văn hóa di sản trong lòng phố cho đông đảo người dân và du khách tới Hà Nội từ năm 2016 đến nay. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những loại hình đặc sắc của Hà Nội như ca trù, hát xẩm, hát văn, hát chèo, đánh trống quân... và các loại hình của địa phương khác như quan họ, hát xoan, ví, giặm, đờn ca tài tử... những năm qua đã hội tụ về đây, lan tỏa đến du khách.

leftcenterrightdel
 Nhóm nghệ sĩ trẻ của VICH biểu diễn hát xẩm và giao lưu với khán giả. Ảnh: VICH 

Ngô Văn Hảo, thành viên của nhóm hát xẩm Hà Nội sau phần biểu diễn đã giới thiệu cho khán giả về nghi thức và huyền tích của nghề hát xẩm. Nhóm nghệ sĩ trẻ tạo cơ hội gắn kết giữa khán giả với người diễn, với mong muốn truyền tải thông tin tới người nghe từ xẩm hát, xẩm đàn và xẩm kể để dẫn mạch câu chuyện từ thuở ông tổ nghề Trần Thánh sư làm ra cây đàn bầu cổ, cho đến những bài xẩm tàu điện của thế kỷ 20. Nhóm hát cũng không ngần ngại khi trình diễn tiết mục ngoài chương trình “Dạt nước cánh bèo”, dành tặng một khán giả cao tuổi tha thiết muốn tìm lại ký ức tuổi thơ. Vị khán giả chia sẻ rằng thuở nhỏ từng rong ruổi chạy theo tàu điện để nghe hát xẩm và từng mong mỏi được gặp trực tiếp nghệ nhân Hà Thị Cầu, tiếc rằng khi có điều kiện về được Ninh Bình thì nghệ nhân đã đi xa.

VICH là một trong những địa chỉ văn hóa được thành lập bởi Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Quỹ Văn hóa Hà Nội, nhằm xúc tiến các hoạt động quảng bá văn hóa phi vật thể ra nước ngoài, định hướng theo 4 lĩnh vực: Nghiên cứu, tổ chức các hoạt động nghiên cứu; truyền thông; tổ chức sự kiện và cung cấp các dịch vụ về xúc tiến di sản văn hóa phi vật thể. Từ các hoạt động của Trung tâm, nhiều dự án nghiên cứu, giao lưu hợp tác văn hóa quốc tế cùng các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã được mở ra.

Đổi mới, tạo sản phẩm hấp dẫn

Không dừng lại ở những chương trình, sản phẩm sân khấu trong nhà, những người yêu xẩm Hà Nội còn đưa loại hình âm nhạc này “sống” gần hơn với nhân dân Thủ đô và du khách tại nhiều điểm diễn khác, như sân đình Nam Hương-Tượng đài Vua Lê (đường Lê Thái Tổ) của nhóm Xẩm Hà Thành vào mỗi tối cuối tuần; trước cửa chợ Đồng Xuân của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nhóm nghệ sĩ, CLB cũng lập nên các nhóm hát ca trù, hát văn, hát chèo... trình diễn tại Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ngoài tìm đến, thưởng thức các loại hình nghệ thuật trình diễn trong trung tâm Thành phố, khán giả ưa trải nghiệm còn có thể tìm đến sân khấu trình diễn tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) vừa được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một không gian nghệ thuật hấp dẫn. Ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối nước Đào Thục cho biết, giá trị văn hóa phi vật thể của rối nước Đào Thục được thể hiện qua thời gian, bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm, Huyền thoại Loa thành... thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền.

Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng website, quảng bá nghệ thuật múa rối Đào Thục cũng như các phường rối của Hà Nội trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube... anh Đinh Thanh Tiên, người làng Đào Thục đánh giá, nhờ internet mà du khách trong nước và quốc tế quan tâm đến phường rối nhiều hơn. Trong đó, rất nhiều khách du lịch tự tìm tới phường rối chứ không cần thông qua các công ty lữ hành.

Khai thác nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý hiến kế: "Cần tập trung nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về tầm quan trọng, ý nghĩa mật thiết giữa phát huy nguồn lực di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, có chương trình, hành động cụ thể, thiết thực hơn để nhận diện, đánh giá đầy đủ các di sản văn hóa của Thủ đô, từ đó có phương án gìn giữ, bảo tồn, khai thác có hiệu quả".

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội bày tỏ lạc quan, ngày 23-3 tới, Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 có gần 100 doanh nghiệp tham gia hứa hẹn tạo bứt phá cho du lịch văn hóa Thủ đô. Lễ hội năm nay tập trung vào quảng bá di sản của Hà Nội, trong đó có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, khai thác và giới thiệu nhiều tour du lịch nổi bật kết nối các điểm đến là di sản văn hóa, từ đó quảng bá thế mạnh du lịch văn hóa Thủ đô.

VIỆT LAM