Theo kiến trúc sư, nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Hiệp, nếu phát huy hiệu quả các lợi thế, đặc biệt là lĩnh vực văn học-nghệ thuật (VHNT), CNVH Thủ đô mới có bước đột phá.
Phóng viên (PV): Dễ nhìn thấy lợi thế của VHNT Hà Nội được bồi đắp qua nghìn năm lịch sử vô cùng phong phú, sâu sắc. Nếu kể thêm điểm mạnh của văn nghệ Hà Nội, theo ông cần nhắc đến yếu tố nào nữa?
 |
Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp.
|
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Nói về lợi thế của văn nghệ Hà Nội cần đặt trong sự so sánh với các thành phố khác. Nhìn một cách khách quan, Hà Nội đúng là có lợi thế to lớn về phát triển, sáng tạo nghệ thuật trở thành “xương sống” của CNVH. Nhìn lại lịch sử, khi người Pháp đặt chân đến bán đảo Đông Dương rộng lớn, không phải ngẫu nhiên họ lại chọn Hà Nội là trung tâm văn nghệ, cụ thể là đặt trụ sở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Có nhiều yếu tố để Hà Nội trở thành “thánh địa” văn nghệ. Theo góc nhìn địa lý-sinh thái học, Thăng Long-Hà Nội là “chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương” (Chiếu dời đô), có khí hậu đầy đủ bốn mùa làm cho văn nghệ đa sắc thái, có nhiều sông hồ để suy tư sâu lắng như Nguyễn Đình Thi viết: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, đây lắng hồn núi sông ngàn năm” (Người Hà Nội). Yếu tố thứ hai mà bạn cũng đã nhắc đến, đó là trầm tích lịch sử, văn hóa nghìn năm, kinh đô của nhiều giai đoạn, các lớp lang văn hóa phủ lên, giao thoa nhau là cơ sở để Hà Nội sáng tạo văn hóa, văn nghệ.
Hà Nội vừa là kinh đô, vừa là trung tâm thương mại sầm uất hàng trăm năm, hình thành tầng lớp thị dân hiểu nghệ thuật, yêu nghệ thuật, tạo ra thị trường sôi động cho các sản phẩm văn nghệ, kích thích văn nghệ sĩ sáng tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường.
PV: Theo dõi sự phát triển CNVH ở nhiều quốc gia, theo ông, Hà Nội cần có thể chế, chính sách như thế nào để phát huy lợi thế VHNT?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Phát triển CNVH là công việc mới mẻ, phức tạp, Hà Nội lại chưa có nhiều kinh nghiệm, trong đó có việc ban hành thể chế, chính sách. Các nghiên cứu về CNVH chỉ ra: Dù chế độ chính trị có khác nhau nhưng vai trò dẫn dắt của chính quyền đối với CNVH ở bất cứ quốc gia nào cũng rất quan trọng. Điển hình như ở Hàn Quốc, chính quyền có nhiều cơ chế, chính sách để dẫn dắt Hallyu (làn sóng Hàn Quốc). Cần lưu ý, dẫn dắt khác với làm thay, đó là sự kiến tạo, hỗ trợ, điều phối nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, những quy luật phát triển mang tính tự trị của văn hóa, văn nghệ.
Cá nhân tôi cho rằng, trước tiên, Hà Nội cần thành lập một tổ chức phối hợp liên ngành. Hình thức có thể là ban chỉ đạo về phát triển CNVH, có sự góp mặt của lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành liên quan, các hội văn nghệ, các chuyên gia và các doanh nghiệp lớn. Trong các ngành CNVH, các lĩnh vực phát triển không đồng đều. Do vậy, định hướng phát triển chuyên ngành văn nghệ nào là chủ đạo, sau đó mới tập trung nguồn lực đầu tư để tránh cào bằng.
PV: Để đánh giá sự thành công, phát triển của một chuyên ngành VHNT thường dựa vào các chỉ số doanh thu, tầm ảnh hưởng. Theo ông, Hà Nội cần chú trọng phát triển chuyên ngành mũi nhọn nào?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Ở các nước có nền CNVH phát triển, có hai chuyên ngành VHNT được xem là mũi nhọn là điện ảnh và âm nhạc. Hai chuyên ngành này phù hợp với văn hóa nghe nhìn hiện đại, xuyên biên giới, có sức ảnh hưởng lớn, kéo theo sự phát triển của sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm, thời trang, du lịch văn hóa...
Hà Nội cần kêu gọi, có chính sách thu hút các nhà làm phim trong và ngoài nước lựa chọn nơi đây làm bối cảnh các bộ phim lớn. Không chỉ góp phần nâng cao trình độ đội ngũ làm phim trong nước, quan trọng hơn, hình ảnh về văn hóa, con người Hà Nội nếu xuất hiện trong những bộ phim nổi tiếng sẽ có giá trị quảng bá lớn, khó có thể đo đếm. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Dù đã trải qua 6 lần tổ chức (từ năm 2010 đến nay) song hiệu quả mà liên hoan mang lại chưa được như mong muốn. Nói chung, không chỉ riêng điện ảnh mà bất cứ loại hình văn nghệ hiện đại nào đều cần có sự đầu tư của các đơn vị tư nhân mạnh về tiềm lực, kinh nghiệm mới có thể tạo động lực đột phá.
Hà Nội cũng nên chú ý một số điểm mạnh đặc thù. Ví dụ, các cơ sở công nghiệp thời kinh tế kế hoạch hóa nên cải tạo trở thành không gian văn hóa-sáng tạo-du lịch sẽ tốt hơn là chuyển đổi công năng sử dụng cho các mục đích khác. Chính văn hóa sẽ đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững. Kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên thế giới như Paris (Pháp), Bilbao (Tây Ban Nha), Moscow (Nga), khi các cơ sở công nghiệp hết chức năng sử dụng, họ đã tái tạo để trở thành bảo tàng, không gian sáng tạo, cơ sở sản xuất văn hóa, nghệ thuật. Trong trường hợp không thể “cưỡng” lại được sức hút đầu tư của các tập đoàn bất động sản muốn chuyển đổi thành “chung cư cao cấp” (như đã và đang xảy ra) thì ít nhất phải cố gắng giữ lại một phần nào đó để làm “chứng tích” cho một giai đoạn lịch sử không thể lãng quên.
Lịch sử, cụ thể hơn là lịch sử thời kháng chiến-bao cấp, là một “tài nguyên” đặc sắc của Hà Nội. Đây là thời kỳ đặc biệt, gắn với những khó khăn và kỳ tích của dân tộc mà thế giới đều biết đến. Ngoài những cơ sở công nghiệp cũ, Hà Nội thời kháng chiến-bao cấp còn có các khu tập thể, các công trình công cộng, công viên, những khúc hát, bản nhạc khí phách và lãng mạn, những bức tranh theo kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa và tranh cổ động... Gần đây, những di sản nghệ thuật thời Pháp thuộc đã được tôn vinh khá rầm rộ, giờ là lúc dành cho di sản thời kháng chiến-bao cấp. Ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Tate (London), người Anh đã tạo nên một khu vực trưng bày dành riêng cho tranh cổ động xã hội chủ nghĩa, còn chúng ta có thể làm được hơn thế, thậm chí là một bảo tàng tranh cổ động. Hoặc cũng có ý kiến đâu đó khá thú vị là tạo dựng một không gian y như thời chiến tranh-bao cấp để du khách được trải nghiệm lịch sử một cách sống động.
 |
Chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" tổ chức tại Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội. Ảnh: NGỌC ANH |
PV: Nếu được tư vấn về một dự án nghệ thuật cụ thể để Hà Nội hội nhập với các xu hướng văn nghệ hiện đại, theo ông, Hà Nội nên chọn hướng đi nào?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cách đây 24 năm và năm 2019 được công nhận là “Thành phố sáng tạo”. Vậy có thể tạo ra một dự án kết hợp danh hiệu này như tổ chức triển lãm nghệ thuật có tầm vóc quốc tế định kỳ 2-3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale). Địa điểm có thể chọn là bãi giữa sông Hồng, với chủ đề xuyên suốt là nghệ thuật vì hòa bình, trong đó nhấn mạnh đến sự chia sẻ, đồng cảm giữa những nền văn hóa khác nhau, những thể chế chính trị khác nhau, những ước mơ khác nhau. Tôi cho rằng, như thế sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút văn nghệ sĩ, du khách bốn phương đến với Hà Nội để sáng tạo, trải nghiệm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)