QĐND - Mấy hôm nay trời xoe xoe gió. Nắng rười rượi vàng trên thảo nguyên. Trời cao và xanh, chứ không xầm xì ung ủng như trước đó. Đó là những tín hiệu tốt lành của mùa khô, cái mùa đẹp nhất ở vùng đất cao nguyên.

Hôm qua, có người bạn công tác ở một công ty lữ hành gọi điện nhờ xem hộ dã quỳ nở chưa để thiết kế một tua ngắm dã quỳ.

Thì đây, dã quỳ đã nở.

Lâu rồi, dã quỳ không còn nhói trong tâm thức mỗi khi chuyển mùa nữa, có lẽ vì đã quá quen, lại hay chứng kiến cảnh quỳ bị phá, bị hắt hủi khi bị lùi mãi về vùng sâu vùng xa, vào các hẻm, các ngõ nhỏ... Nhưng thực ra trong hoàn cảnh nào, dã quỳ vẫn đẹp đến ngất ngây, đến bàng hoàng tâm thức.

Hôm qua, tôi cùng mấy người bạn ở thành phố Buôn Ma Thuột ra huyện Chư Pah. Trên suốt chặng đường, chúng tôi toàn nói chuyện về dã quỳ. Ai cũng thừa nhận, dã quỳ đẹp nhất là ở Đà Lạt và Plei-cu. Đà Lạt thì không nói làm gì, đấy là đất hoa nổi tiếng, còn Plei-cu, tại sao?

Dã quỳ mang màu vàng đặc trưng. Cái màu vàng đến hết cỡ, vàng như chỉ còn lần này là lần cuối, vàng đến mê dại, đến hết mình. Mười bông dã quỳ như một, tạo thành thảm, thành lớp, thành những miên man không ngưng nghỉ trên cái nền bazan, tạo thành mảng màu mà các hoạ sĩ thiên tài cũng phải nghiêng mình thán phục!

Đấy là những bông to, bụ bẫm, xòe bung cánh hoa điệu đà trước gió, trước nắng, trước cả ánh mắt đắm say của bao du khách. Nó mang vẻ đẹp của rợn ngợp, của miên man, của tầng tầng lớp lớp, của những khối kết dính, mạnh khỏe và vững vàng, chứ không mỏng manh cô độc.

Dã quỳ nơi khác cánh nhỏ hơn, màu vàng cũng thưa vắng hơn, xác xơ hơn, có vẻ như yếu đuối và man mác.

Có lẽ cái chất của nham thạch triệu năm làm nên Biển Hồ, làm nên Hàm Rồng đã tích, đã tụ, đã lặn vào, đã hóa thân làm nên cái khác lạ của dã quỳ nơi này. Tôi nói và các bạn trên xe đều cho là đúng. Như thế, nó không chỉ là hiện thân của cái đẹp, của màu vàng tự nhiên bất tử, mà nó còn có vẻ đẹp của sự kết gắn, của sự khỏe khoắn gợi cảm, như một ân vật của tự nhiên trao tặng con người.

Thường là, cái gì nhiều thì không quý. Rất nhiều người ở cao nguyên đã thờ ơ với dã quỳ, cho đến một ngày, mở mắt ra, ơ quỳ đâu mất! Lúc ấy một đốm quỳ, một cô độc quỳ, một thảng hoặc quỳ nhoi lên từ đâu đó trở nên của hiếm.

Thì nó vốn dĩ là hoang dại, là "của giời", thậm chí là đối tượng cướp đất của con người, cho đến một ngày nào đó, một người nào đó, sớm mai thức dậy, tinh khiết trước bình minh, trước nỗi vô ngôn của đất trời và của chính mình, chợt thảng thốt mà tự thán: Thì ra là quỳ đẹp. Nhưng mà rồi, do mưu sinh, do cái tâm lý "của nhà" nên mỗi ngày dã quỳ mỗi thưa vắng, mỗi ngày quỳ mỗi lùi xa, để đến giờ muốn ngắm quỳ, muốn thả mình vào cái màu vàng tưởng như vô ngôn kia ta phải kiếm tìm. Mà quả thật, cái thành quả của kiếm tìm bao giờ cũng giá trị hơn những gì tự có!

KIỀU OANH