Để thi ca đến gần hơn với bạn đọc
Từ xa xưa khi chưa có chữ viết thì thơ ca đã xuất hiện trong đời sống của người dân Việt. Mở đầu, là những câu thơ dân gian như ca dao, tục ngữ, hò vè... có vần có điệu, dễ nhớ, dễ thuộc, đến giờ vẫn đang được lưu giữ, tồn tại và được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Thơ ca chính là phương tiện thể hiện tài năng trí tuệ và tâm tư tình cảm của người làm thơ. Trong lịch sử dân tộc, nhiều danh nhân được người sau nhắc đến nhiều nhất, nếu không là danh tướng thì cũng là thi nhân hoặc cả hai như: Thái úy Lý Thường Kiệt với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”; Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo”; Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với “Hịch xuất quân”; Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Nguyên tiêu” và nhiều bài thơ khác đã cho chúng ta thấy, thơ ca có vị trí rất quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
 |
Các độc giả tham dự Ngày thơ Việt Nam chụp ảnh chung. |
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 có sự thay đổi để độc giả được chiêm ngưỡng, đọc thơ và hòa mình vào không gian của thơ nhiều hơn. Thời gian tổ chức của Ngày thơ năm nay bao gồm cả ngày Rằm tháng Giêng thay vì chỉ diễn ra vào buổi sáng như những lần trước. Ngoài ra, trong chương trình còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, với sự tham gia của các nhà thơ nhiều thế hệ, đã thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại. Song song với tọa đàm trên hệ thống màn hình led trước cổng Đoan Môn còn có trình chiếu các phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nền thi ca Việt Nam; các nhà thơ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về thi ca Việt Nam…
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hoạt động của Ngày thơ năm nay phong phú hơn với việc khai trương “Đường thơ”, “Đường sách"; toạ đàm thơ cùng các hoạt động phong phú khác. Người yêu thơ được thăm "Nhà ký ức" do Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện với những hiện vật và hình ảnh sống động về các nhà thơ Việt Nam nổi tiếng...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, việc chuyển địa điểm tổ chức Ngày thơ Việt Nam từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám sang Hoàng thành Thăng Long và những không gian khác trong cả nước vào những năm tiếp theo chỉ là một cách làm cho người yêu thơ ở nhiều nơi có cơ hội tham gia trực tiếp sự kiện thơ ca này; bởi trên cả nước có nhiều địa điểm xưa nay đã trở thành không gian của thơ ca như Núi Bài thơ (Quảng Ninh); Tháp Nhạn (Phú Yên); Cố đô Huế... hay là quê hương của các bậc thi hào Nguyễn Du, Cụ Đồ Chiểu, bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương...
 |
Đường thơ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. |
Mặc dù đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-người đã từng nhiều năm gắn bó với Ngày thơ Việt Nam vẫn đến tham dự từ sáng sớm.
Bày tỏ cảm xúc khi tham dự Ngày thơ Việt Nam năm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Trong không khí mùa xuân, tôi rất xúc động khi đến tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Đặc biệt "Nhà ký ức" là sáng kiến mới của Ban tổ chức, giúp công chúng trở về những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta. Bằng thơ ca, các nhà thơ đã nói với bạn đọc về những xúc động của mình, cảm hứng của mình trong quá trình tham gia đồng hành cùng dân tộc và đất nước, đó là lý do tồn tại và là vinh dự to lớn của nền thơ ca Việt Nam”.
“Tôi nghĩ rằng, với truyền thống tốt đẹp của thi ca Việt Nam trong quá khứ, nhất định chúng ta sẽ có những mùa gặt mới của thi ca Việt Nam, đem đến giá trị tốt đẹp, có nhiều bài thơ hay, làm giàu có tâm hồn của nhân dân ta, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Những bài thơ chủ đề bảo vệ Tổ quốc và lực lượng vũ trang để lại dấu ấn sâu đậm với độc giả
Hiện diện trong Ngày thơ Việt Nam có rất nhiều nhà thơ mặc áo lính. Khoác trên mình màu xanh của người chiến sĩ, các nhà thơ đã góp phần để thi đàn Việt Nam có nhiều tác phẩm hấp dẫn độc giả.
Nói về những tác phẩm thơ chủ đề bảo vệ Tổ quốc và lực lượng vũ trang cách mạng được giới thiệu tại Ngày thơ Việt Nam năm nay, nhà thơ Lữ Mai (Báo Nhân Dân) cho biết: “Đây là chủ đề luôn được các nhà thơ nhiều thế hệ quan tâm. Sự cống hiến, thành công của lớp nhà thơ đi trước đã khá rõ ràng. Những năm gần đây, thông qua các giải thưởng, cuộc thi, phong trào vận động sáng tác... không ít nhà thơ trẻ đã đoạt giải thưởng, ghi dấu ấn ban đầu với đề tài này. Đây là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định năng lực, trách nhiệm của người sáng tác đối với đời sống, con người, Tổ quốc”.
“Trên sân thơ, những sáng tác đề tài này luôn vang lên, không chỉ bởi thế hệ nhà thơ đi trước mà ở chính các nhà thơ trẻ. Họ thể hiện góc nhìn, tình cảm, quan điểm của mình về Tổ quốc, lực lượng vũ trang, đó là nét mới mẻ làm nên sức sống, sự tương tác quan trọng giữa giá trị của ký ức với hiện tại và tương lai”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.
 |
Vợ chồng nhà thơ Lữ Mai-Đoàn Văn Mật tham quan hiện vật tại không gian trưng bày "Nhà ký ức". |
Là một trong những nhà thơ, chiến sĩ nên trong những tác phẩm của mình, hình bóng của những người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn được nhà thơ Đoàn Văn Mật (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đặt ở vị trí trang trọng. Đến với Ngày thơ Việt Nam lần này, anh mang đến tác phẩm “Sóng trầm biển dựng”. Năm 2017, anh ra công tác ở Trường Sa và từ chuyến đi đáng nhớ đó, anh đã viết nên Trường ca “Sóng trầm biển dựng”. “Những tháng ngày tôi đứng giữa Gạc Ma/Tổ quốc ơi! Sao nhiều thương đau thế/giấc mơ nào là giấc mơ đời mẹ/khúc nông sâu úng ngập phận người/Gạc Ma ơi! Trường Sa của tôi ơi/người kiêu dũng ngàn năm đứng thẳng/người trung kiên ngay cả khi ngã xuống/vẫn gọi tên Tổ quốc của mình”, đó là những câu thơ chứa chan tình cảm của nhà thơ dành cho Tổ quốc mình, cho đồng đội mình.
Phụ trách điều hành buổi tọa đàm thơ với chủ đề "Thơ hiện nay với hôm nay" tại Ngày thơ Việt Nam lần này, Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao (Báo Quân đội nhân dân) chợt nhớ, cách đây hai mươi năm trước, trang Văn học thứ sáu của Báo Quân đội nhân dân từng có cuộc Tọa đàm mang tên: Thơ đi về đâu? Cuộc tọa đàm này có sự tham gia của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng thuộc thế hệ cầm bút sau năm 1975. Nội dung của cuộc tọa đàm gần giống với vấn đề của cuộc tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay" đặt ra, đó là thực trạng của thơ và mong muốn tìm lời giải cho con đường đi của thơ.
 |
Quang cảnh buổi tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay". |
Nhà thơ Trần Anh Thái cho biết: “Bàn về thơ là câu chuyện của muôn thuở. Và hình như cũng không phải chỉ hôm nay chúng ta mới bàn đến thơ. Hàng nghìn năm trước các thi sĩ, triết gia đã đau đáu trăn trở về thơ. Người bàn cứ bàn, người phê phán cứ phê phán, thơ ca bất chấp mọi khen, chê vẫn hiển nhiên tồn tại”.
“Công bằng thơ ca nhiều năm gần đây đã có một đời sống mới, một diện mạo mới. Bằng chứng là nó đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, các khuynh hướng thơ ca, các phong cách sáng tác. Nói một cách chính xác thì thơ hiện nay mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng cách thể hiện cũ, mới, quen, lạ vừa giống vừa không giống ai... Các nhà thơ một mặt đi sâu vào khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội”, nhà thơ Trần Anh Thái đánh giá.
Theo nhà thơ Trần Anh Thái, có lẽ không một nhà thơ nào lại không viết hoặc chí ít nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí cả những vấn đề lớn lao của đất nước, về sự mất còn của dân tộc, về thân phận con người đang hiện diện trong đời sống hôm nay. Đó là thành tựu và cũng là sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nhà thơ trong nhiều năm vừa qua.
Là thế hệ sinh ra trong hòa bình nhưng những tác phẩm thơ về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn để lại dấu ấn sâu đậm với em Huỳnh Ngọc Thanh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Có mặt trong Ngày thơ Việt Nam từ rất sớm, được xem lại những tập thơ “Đầu súng trăng treo”, “Ngọn đèn đứng gác” của nhà thơ Chính Hữu; “Người người lớp lớp” của Trần Dần… khiến cho em cảm thấy rất xúc động. Những bài thơ của các thế hệ đi trước mà em đã học thuộc từ khi còn là học sinh THPT, đến bây giờ, được xem lại những tập thơ đã in cách đây nhiều năm, dù những cuốn sách đã nhuốm màu thời gian nhưng với em, từng câu, từng chữ trong những tập thơ này sẽ góp phần để em cùng các bạn thế hệ ngày nay hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng kiên cường của cha ông ta.
Thơ gieo vào lòng người cái đẹp và mùa xuân thi ca sẽ luôn cất lên tiếng nói với mỗi người, để rồi sẽ có thêm nhiều những Tết Nguyên tiêu dành cho thi ca, để những vần thơ hòa chung vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, ngày càng cất cánh, phát triển,
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN