Tham dự tại chương trình, có sự góp mặt của ThS Trần Thị Phương Lan, giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình, đại diện Trang tin điện tử Sóng trẻ; TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), một nhà hoạt động xã hội, diễn giả, tác giả của nhiều tựa sách nổi tiếng như “Điểm đến cuộc đời”, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, “Đại dương đen”.

 Quang cảnh buổi tường thuật trực tuyến, trực tiếp Sóng cảm xúc: Bến bờ thấu cảm.

Trong khuôn khổ của buổi giao lưu trực tuyến, trực tiếp gồm hai phần “Sóng cảm xúc” và “Bến bờ thấu cảm”, TS Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ với khán thính giả về “chân dung, nguồn cơn và lối thoát” của căn bệnh trầm cảm thông qua quá trình tìm hiểu và tiếp xúc với các nhân vật của cuốn sách “Đại dương đen”, đồng thời giải đáp những thắc mắc của độc giả.

TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ về nguồn cơn của căn bệnh trầm cảm. 

TS Đặng Hoàng Giang cho biết: “Giao tiếp có sức mạnh rất lớn trong việc chữa lành tâm hồn và kết nối giữa người với người. Trong thời đại 4.0, con người thường chỉ giao tiếp thông qua máy móc và vô tình khiến cho việc giao tiếp trở nên mờ nhạt, nội dung giao tiếp trở nên nông hơn và ít sâu hơn. Vì thế những người mắc bệnh trầm cảm dường như càng thêm lạc lõng trong xã hội cũng như tỉ lệ trầm cảm ngày càng gia tăng”.

Một nguyên nhân khác, theo như nhận định của vị khách mời, đó chính là sự thiếu thấu cảm trong gia đình, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên khi khoảng cách thế hệ của các bạn và bố mẹ lớn. Đặc biệt ở Việt Nam, khi những kỳ vọng và áp lực “con nhà người ta” đã hằn sâu vào trong tiềm thức của các bậc phụ huynh đã vô tình trở thành những nguyên nhân tiềm tàng của các chứng rối loạn tâm lý.

Hơn nữa, ông cũng đã từng tiếp xúc với những cha mẹ là bác sĩ điều trị tâm lý, nhưng lại vô tình khiến cho chính con của mình bị trầm cảm do tạo áp lực và giáo dục sai cách. Có những cá nhân tỏ ra vẫn nghe lời bố mẹ, nhưng thực chất họ rất bất ổn về tâm lý và giấu nhẹm nó đi để rồi khi những cảm xúc tiêu cực tích tụ đủ lớn, họ lại chọn cách buông xuôi và dường như mọi chuyện đã trở nên quá muộn màng.

 
Đây là dịp để các bạn học sinh, sinh viên có thêm kiến thức về căn bệnh trầm cảm, từ đó các bạn có thể phần nào giúp bản thân hoặc những người xung quanh thoát khỏi những hệ lụy mà trầm cảm mang lại. 

Trả lời cho câu hỏi về phương pháp trị liệu trầm cảm, ông cho biết: “Có 3 lĩnh vực chính của trị liệu: Một là liệu pháp dược: Dùng thuốc, mỗi loại thuốc có sự phù hợp với mỗi người khác nhau. Hai là liệu pháp tâm lý, trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý, có chuyên môn. Ba là các liệu pháp khác như yoga, tập thể dục...

Đối với người trầm cảm nhẹ, chúng ta có thể loại bỏ những thứ stress, sống thoải mái và tìm đến những biện pháp trên. Trầm cảm nặng được khuyên nên kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Đây là một quá trình lâu dài và chúng ta sẽ không thể tự giải quyết, tự chữa cho mình được, cần tìm hiểu và gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn giúp mình nhận ra được bẫy của chính đầu óc của mình và sử dụng các loại thuốc phù hợp”.

Trong khoảng thời gian 2 tiếng tại buổi giao lưu trực tuyến, chương trình đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các độc giả theo dõi chương trình. Những ý kiến về chuyên môn và góc nhìn của khách mời đã được phản ánh một cách chân thực và sinh động qua lăng kính của một nhà hoạt động xã hội đã dành thời gian và tâm huyết xung quanh các biểu hiện trong đời sống của căn bệnh trầm cảm. Từ đó, giúp độc giả phần nào có thể nâng cao kiến thức và hiểu rõ hơn về “bức tranh” rộng lớn của các chứng bệnh về tâm lý đang “ẩn nấp” xung quanh cuộc sống chúng ta.

Tin, ảnh: TRUNG KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.