Bản chất của “xưng khiêm hô tôn” trong giao tiếp ứng xử là một giá trị văn hóa khoan dung trong đối thoại, qua đó góp phần gắn kết tình cảm chân thành giữa con người với con người. Phương châm ứng xử này không những không hạ thấp vị thế, vai trò của chủ thể giao tiếp, đối thoại mà ngược lại, còn góp phần khẳng định tư cách văn hóa của chủ thể đó.

Phương châm “xưng khiêm hô tôn” không chỉ được vận dụng rộng rãi trong quan hệ ứng xử giữa người với người mà còn có ý nghĩa định hướng trong các tình huống, hoàn cảnh, môi trường giao tiếp, đối thoại của cán bộ, công chức trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong ứng xử với nhân viên cấp dưới và người lao động nói riêng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: TTXVN

Trong cuộc sống và công tác, con người có rất nhiều mối quan hệ xã hội. Càng ở địa vị cao, giữ trọng trách lớn, có hiểu biết xã hội sâu rộng và được nhiều người biết đến thì càng đòi hỏi người trong cuộc phải giữ gìn và thể hiện lời ăn tiếng nói, thái độ, cử chỉ, hành vi sao cho đúng với vị trí công tác, tính chất nghề nghiệp và tầm ảnh hưởng xã hội của mình. Khi ai đó ở địa vị “Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào” nghĩa là anh đã được nhiều người chú ý quan tâm, vì thế người ta cũng luôn đòi hỏi/mong muốn anh phải là tấm gương văn hóa về giao tiếp, ứng xử, đối thoại sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và để lại ấn tượng tốt đẹp với đối tượng giao tiếp.

Thời gian qua, dư luận bàn tán, xì xào và có phần chê trách một số người “ăn cơm Nhà nước, ở nhà công” mà lại không chú ý rèn luyện và thể hiện cốt cách tao nhã, thần thái nghiêm túc, hành động chỉn chu trong một số hoạt động nghi lễ có tính chất đối ngoại. Có quan chức đầu tỉnh tiếp xã giao khách quốc tế mà một tay bắt tay khách, còn tay kia vẫn đút trong túi quần... Dù những cử chỉ đó đôi khi chỉ là thói quen nhất thời hay là sơ suất ngoài ý muốn chủ quan của người trong cuộc, nhưng được camera, máy ảnh chụp lại, lưu giữ và lan truyền trên mạng xã hội ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến vị thế, hình ảnh của chính người đó và rộng hơn là hình ảnh quốc gia-dân tộc.

Hay như gần đây, dư luận cũng băn khoăn khi nhiều quan chức đến động viên, chúc mừng một đội tuyển vận động viên nữ sắp ra nước ngoài tranh tài ở một giải đấu mang tầm vóc quốc tế. Đáng lẽ ra khi chụp ảnh lưu niệm, các quan chức nên đứng sau các cô gái bé nhỏ để góp phần tôn vinh đối tượng chính là các nữ vận động viên tại sự kiện, nhưng ngược lại, các quan chức (người cao to) lại đứng hàng trước, hàng trên khiến các nữ vận động viên (người thấp bé) phải đứng hàng sau, hàng dưới. Nhìn tấm hình này, nhiều người xem cảm thấy tủi thân cho những nữ vận động viên, nhưng thực ra có ý phê bình “các anh, các bác” chưa ý nhị, lịch thiệp khi ứng xử với các cô gái.

Châm ngôn có câu “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng” như muốn truyền đi thông điệp về văn hóa khiêm cung trong giao tiếp, ứng xử của những người có học thức, có địa vị cao trong xã hội. Trong văn hóa chính trị nước ta, có nhiều vị lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ở vị trí ngôi cao mà vẫn không xa, giữ trọng trách gánh vác sơn hà xã tắc mà vẫn gần gũi, hòa nhã với những người dân lao động bình thường.

Không nên nghĩ rằng sự khiêm cung có vẻ như một phẩm chất tiêu cực hay gần như dấu hiệu của sự non kém hơn là một sức mạnh. Trên thực tế, đức tính khiêm cung thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực trong giao tiếp, ứng xử và trong các hoạt động đối ngoại, trong các sự kiện gặp gỡ, đối thoại với các tầng lớp xã hội thực ra chính là lợi thế, ưu điểm thể hiện “sức mạnh mềm” của cán bộ các cấp trong bộ máy công quyền.

CHÍNH NGÔN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.