Ai tham gia cuộc thi cũng muốn giành thành tích cao. Cơ quan, đơn vị nào tham dự các cuộc tranh tài đọ sức cũng muốn thu được kết quả tốt. Khát vọng giành chiến thắng và đứng trên bục nhận giải thưởng là tâm lý tích cực, là nhu cầu chính đáng và cũng là động lực thúc đẩy sự nỗ lực vượt bậc của các thí sinh. Từ các cuộc thi đã sàng lọc, lựa chọn được những nhân tố nổi trội, ưu việt để góp phần nhân rộng, lan tỏa những giá trị tiến bộ trong toàn xã hội, trong các ngành nghề và các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

leftcenterrightdel
 Tiểu phẩm trong Hội thi dân vận khéo năm 2023 của Kho 661, Cục Xăng dầu. Ảnh: qdnd.vn

Có cuộc thi thì tất yếu phải có một lực lượng đặc biệt. Đó là thành phần giám khảo, tùy vào tính chất, phạm vi, quy mô cuộc thi mà có thể thành lập ban giám khảo hay hội đồng giám khảo. Vị thế, vai trò, quyền lực của thành phần này được ví là: “Phi giám khảo bất thành cuộc thi”, nghĩa là không có giám khảo thì không thể tổ chức thành cuộc thi.

Xã hội thời nay có vô số nghề. Một trong những nghề “hot” nhất, được nhiều người săn đón, trọng vọng nhất là “nghề làm giám khảo”. Ngoại trừ những cuộc thi, hội diễn ở cấp cơ sở thì thành phần giám khảo thường là cán bộ kiêm nhiệm; còn các cuộc thi từ cấp bộ, ngành trở lên thì nhất thiết phần lớn giám khảo phải có nghề. Chữ “nghề” ở đây được hiểu là giám khảo có trình độ tốt, năng lực chuyên môn giỏi và kỹ năng, kinh nghiệm thẩm định tác phẩm/công trình/bài dự thi nhạy bén, sáng suốt. Ở góc độ khác, chữ “nghề” trong trường hợp này bao hàm cả ý nghĩa chuyên nghiệp, vì có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có uy tín nghề nghiệp thì một năm có thể làm giám khảo ở dăm, bảy, thậm chí cả chục cuộc thi nên đây được coi là một nghề dễ “hái ra tiền”.

Có lẽ vì tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ của nhiều người nên không ít thí sinh đã ngấm ngầm bước vào cuộc đua tuy rất lặng lẽ, kín đáo nhưng không kém phần quyết liệt, đó là cuộc đua “chạy” giám khảo. Chỗ thân quen thì nhanh nhạy gọi điện thoại hay gửi dòng tin nhắn: “Trăm sự nhờ anh/bác/thầy/thủ trưởng... Em xin cảm ơn sau!”. Chưa quen biết thì nhờ “ông nọ, bà kia” (thường là VIP) gọi điện, nhắn tin nhờ vả (đôi khi tạo cả áp lực) cho giám khảo “để mắt” tới thí sinh X, tác phẩm Y, mã số dự thi Z. Thậm chí có thí sinh không ngại ngần đi “cửa sau” để biếu/tặng quà các giám khảo, nhất là người đứng đầu ban/hội đồng giám khảo. 

Cuộc thi nào cũng đến hồi kết thúc, trao giải thưởng, vinh danh người đạt thành tích cao, kết quả tốt. Sau mỗi cuộc thi, có thí sinh “vui bất tận” vì giành chiến thắng; có thí sinh buồn vì trở về tay không. Ngậm ngùi, ấm ức nhất là những thí sinh dù có tác phẩm/công trình/bài viết dự thi chất lượng tốt mà vẫn bị loại một cách oan ức. Thực tế có những thí sinh chân tài thực đức, trọng liêm sỉ nhưng vì không biết gần gũi, “vỗ về” giám khảo nên họ đã bị tuột khỏi tầm tay giải thưởng. Trong khi đó, có giám khảo văn hay chữ tốt, trình độ giỏi, năng lực chuyên môn thừa sức để thẩm định chính xác chất lượng tác phẩm/công trình/bài dự thi nhưng chỉ vì họ chưa đủ tâm đức, lại thiếu sự liêm chính nên vẫn chấm điểm cao cho những thí sinh đã “chạy” họ. Đó cũng là lý do nảy sinh sự ồn ào, thậm chí kiện tụng sau nhiều cuộc thi.

Trên thế gian này không có gì là tuyệt đối, mà mọi thứ chỉ là tương đối. Các cuộc thi và giải thưởng cũng vậy. Thế nhưng, khi được coi là người "cầm cân nảy mực", trọng tài phán xét, những ai ngồi vào vị trí giám khảo các cuộc thi, nhất là cuộc thi có quy mô lớn, tầm cỡ, ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực, ngành nghề và trong xã hội thì rất cần phải có phẩm chất chính trực, thận trọng, công bằng như cán cân công lý và cần sự chuẩn mực, chính xác, ngay thẳng như nảy nét mực tàu lên tấm gỗ. Chỉ có như vậy mới góp phần trả lại ý nghĩa đích thực, giá trị văn hóa của các cuộc thi và các giải thưởng.

CHÍNH NGÔN