Lấp lánh trong ánh mắt người xem

Với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2024 thu hút 19 đơn vị trong và ngoài công lập, gồm 24 vở diễn chất lượng và khoảng 300 diễn viên tham gia. Điều bất ngờ là tại các buổi thi diễn diễn ra từ cuối chiều cho đến đêm muộn luôn đông kín khán giả. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Không khí hào hứng, sôi nổi diễn ra ngay từ đêm khai mạc liên hoan đã khẳng định sức sống mạnh mẽ của sàn diễn kịch. Liên hoan mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho công chúng”.

Những tác phẩm trên sân khấu tại liên hoan có thời lượng từ 90 đến 150 phút, được dàn dựng từ năm 2021 đến nay, giúp khán giả được xem, được vui, đong đầy cảm xúc trước cái đẹp nghệ thuật trên sân khấu. Đặc biệt, các tác phẩm gắn với chủ đề chiến tranh cách mạng, thời hậu chiến, những hy sinh của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người mẹ xé lòng tiễn con ra trận như: “Đồng chí” (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh); “Ngày ấy cổng trời” (Sân khấu Trịnh Kim Chi) và “Cánh đồng rực lửa” (Sân khấu Quốc Thảo)... đã tôn vinh khí chất quả cảm của Bộ đội Cụ Hồ, khéo léo giúp người xem nhớ về các sự kiện lịch sử cách mạng Việt Nam. Những kịch bản đậm chất văn học và lịch sử như vở “Ông già đoàn lô tô” (Sân khấu Thế Giới Trẻ) lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Cải ơi, về đâu” của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; “Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt-Người mang 9 án tử” (Nhà hát IDECAF). Cùng với đó, một số sân khấu nêu bật tính cách, phẩm chất, tình cảm, nội tâm giằng xé của con người một cách chân thực mà khéo léo, logic như: “Cơn mê cuối cùng”, “Dâu ngọt”, “Đứt dây tơ chùng”, “Lỡ nhớ lầm thương”...

Một phân cảnh trong vở "Những cánh hoa trinh trắng" tại Liên hoan. Ảnh: BTC cung cấp

Từ thành công của các vở diễn, phải kể đến sự tỏa sáng của các cá nhân tiêu biểu, những gương mặt gạo cội của sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh, trong đó có các nghệ sĩ: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, NSƯT Minh Nhí, NSƯT Quốc Thảo, nghệ sĩ Đình Toàn, Lê Khánh, Đại Nghĩa... Theo nhận xét của Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Trưởng ban giám khảo liên hoan, các tác giả đã viết được nhiều tác phẩm có chủ đề rất đa dạng, phong phú, qua đó nói lên những thông điệp động viên con người vươn tới cái cao cả; đồng thời cũng cảnh báo con người phải dè chừng, cảnh giác với những tiêu cực, xấu xa.

Chuyên nghiệp, thắp sáng tương lai nghệ thuật sân khấu

Với quyết tâm lớn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cùng sự hưởng ứng của các cấp lãnh đạo và người dân, sân khấu kịch nói cuối cùng đã sáng lên một cách mạnh mẽ, chuyên nghiệp trong lòng công chúng. Trong đó, phải kể đến công tác tổ chức là điểm cộng của liên hoan bằng việc đem đến các hoạt động bên lề sôi nổi, ý nghĩa như: Triển lãm ảnh đời sống sân khấu TP Hồ Chí Minh; không gian đối thoại kết nối khán giả với các vở diễn dự liên hoan; tích hợp dữ liệu hình ảnh, clip vào mã QR và chuyển tải trên trang fanpage của liên hoan...

Một trong những điểm khác, thú vị của liên hoan là các đơn vị không biểu diễn tập trung tại một địa điểm như những hội diễn, liên hoan khác. Thay vào đó, Hội đồng nghệ thuật liên hoan sẽ đến sân khấu của từng đơn vị để xem và đánh giá. Điều này giúp các đơn vị biểu diễn có nhiều thuận lợi hơn khi được diễn trên “sân nhà”, nơi có hệ thống cảnh trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng và không gian quen thuộc; công tác tổ chức, dàn dựng, biểu diễn cũng được chủ động hơn. 

Bên cạnh những mặt tích cực giúp thắp sáng sân khấu kịch nói, liên hoan cũng làm lộ ra các vấn đề cần khắc phục như một số vở diễn chất lượng chưa cao, mỏng từ kịch bản đến diễn xuất, phải phúc khảo đến lần 2, thậm chí có đơn vị đã xin rút ngay trước ngày diễn khi được yêu cầu phúc khảo lần 3. Qua đó, phản ánh phần nào sự thiếu kỹ lưỡng trong việc đầu tư của một số ít đơn vị, cá nhân; khó khăn về cơ sở vật chất của một vài điểm diễn hoặc kinh phí còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm dự thi. Ngoài ra còn phải kể đến yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều loại hình giải trí hiện đại khác. “Một số vở còn kém thuyết phục về kịch bản, chứng tỏ đơn vị ít đầu tư. Nhiều tác phẩm có bối cảnh hạn chế do kinh phí thấp, sân khấu gặp khó khăn về cơ sở vật chất”, nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh đánh giá.         

 THÁI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.