 |
Các đại biểu thực hiện nghi thức tại lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng. |
Bảo tàng được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 21-6-2023 với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định và của lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh.
Với sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán dinh Độc Lập).
 |
Các đại biểu tại lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng. |
Hiện, Bảo tàng trưng bày 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá với hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn... Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi, mang đầy tính chất huyền thoại của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hằng ngày.
 |
Một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. |
Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết, trong thời gian tới, song song với việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng theo hướng số hóa để lưu trữ tốt hơn. Theo đó, toàn bộ dữ liệu của bảo tàng sẽ được số hóa dưới các công cụ hiện đại như 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) nhằm tái hiện lại các sự kiện quan trọng cùng các không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định và các di tích lịch sử của biệt động Sài Gòn cùng với hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các bảo tàng về chiến tranh cách mạng sẽ kết nối để thường xuyên để tổ chức các buổi sinh hoạt, triển lãm chuyên đề về giá trị các bộ sưu tập hiện vật và giao lưu, học tập cùng với nhân chứng lịch sử.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là bảo tàng ngoài công lập thứ sáu tại thành phố. Hiện, nơi đây là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của người dân, nhất là các bạn trẻ và du khách nước ngoài; nằm trong chuỗi các di tích vệ tinh của Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh. Sự ra đời của bảo tàng không chỉ là niềm vui của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mà còn là niềm vui chung của ngành văn hóa của thành phố và cả nước.
Các hoạt động công bố Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định gồm có: Ôn lại truyền thống đấu tranh của lực lượng Biệt động Sài Gòn qua phim tài liệu; Tham quan bảo tàng; Các nhân chứng lịch sử hiến tặng hiện vật; Diễu hành qua các di tích lịch sử. Sau lễ công bố, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chính thức đi vào hoạt động.
Tin, ảnh: PHẠM HƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.