 |
Vãn cảnh chùa Trấn Quốc (Hà Nội) |
Hà Nội nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của đất nước. Cũng là nơi chùa chiền, miếu, phủ được con dân lấy làm chỗ bày tỏ lòng thành, cầu nguyện tâm đức cho gia đình, đất nước. Ngay từ ngày một tháng Giêng hương khói đã bảng lảng thâm trầm. Góc chùa, mấy cây mộc già trổ hoa trắng muốt, đưa hương thơm thoảng khắp không gian. Sân chùa thấp thoáng, dưới bóng cây đại già cánh bông lấm tấm trắng vàng, thấp thoáng vạt áo nâu sồng của các vãi già thành kính, mộ đạo. Đây đó lấp ló những tà áo màu thêu kim tuyến và những tấm khăn san sang trọng của các bà, các mợ. Những nam thanh, nữ tú nét mặt hớn hở vào chùa thắp hương cầu lộc… Họ vừa đi lễ, vừa là đi chơi xuân. Đa phần người dân Hà Nội, đặc biệt là chị em phụ nữ ngày xuân đi lễ cầu may. Trong những ngày tháng Giêng đi lễ này, nhộn nhịp, đông đúc nhất vẫn là ngày rằm tháng Giêng. Chả thế từ xưa các cụ đã có câu: “Lễ
Phật quanh năm chẳng bằng ngày rằm tháng Giêng”. Đó là câu thành ngữ từ bao đời còn lưu lại trong dân gian. Rằm tháng Giêng tức là ngày Tết Nguyên tiêu. Đó là ngày lớn thứ ba kể từ ngày Tết Nguyên đán đầu năm mới (mồng một tháng Giêng, ngày hạ nêu tức Tết khai hạ mồng bảy và sau đến rằm tháng Giêng). Tết Nguyên tiêu là kỷ niệm ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Đối với đạo Phật, đây là một ngày lễ mở đầu một năm tối linh thiêng. Ngay cái vẻ thanh sạch, trong sáng của vầng trăng tháng Giêng cũng gợi nên ý nghĩa thiêng liêng ấy.
Vào dịp này nhà chùa thường tổ chức khóa lễ trọng thể, có các hòa thượng, đại đức đạo cao, đức trọng chủ trì. Dưới mái chùa cổ kính, lời kinh cầu rền vang, ấm trầm, khoan nhặt, tiếng mõ điểm vào không gian xuân, thành kính, linh thiêng và yên bình đến vô cùng. Người đi lễ rằm tháng Giêng có lòng thành cầu khấn chư Phật phù hộ, độ trì cho gia đình sang một năm mới an khang, thịnh vượng, khỏe mạnh, tốt tài, sai lộc, hạnh phúc, vẹn toàn, cầu cho dân an, quốc thái. Đó là ước vọng chân chính của cuộc đời con người. Những việc làm này rất xứng đáng được trân trọng, tấm lòng thành kính sâu xa. Có người, rằm tháng Giêng là dịp họ có thể dành thời gian đi lễ duy nhất trong cả năm. Bởi vậy, dịp lễ ngày rằm tháng Giêng càng trở nên quan trọng, thiêng liêng vô cùng. Đây cũng là dịp họ dành chút tiền của đóng góp giọt dầu vào nơi cửa Phật. Mong sao nhà chùa có tiền dầu hương, tiền tu sửa di tích, tiền giúp đỡ kẻ nghèo, người khó. Ai nấy nhắc thầm câu ca từ bao đời truyền lại: “Dù rằng xây chín phủ hồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Nhân dịp này, các bậc chân tu cũng thường nhắc nhở người đi lễ chớ ham đốt quá nhiều vàng hương, chớ tin các sách bói toán quàng xiên, các trò đồng cốt bịp bợm. Đó không phải là tín ngưỡng Phật giáo chân chính.
Bên cạnh việc đi lễ bái, một nét đẹp nữa nơi cửa chùa ấy là vào dịp tháng Giêng, các nhà chùa thường sửa soạn dăm chục mâm cỗ chay cúng Phật và cho các Phật tử xa gần thụ lộc. Ăn cỗ chay rằm tháng Giêng ở nhà chùa, sau một dịp Tết đầy ứ thịt, mỡ là một điều thật thú vị. Cỗ chay nhà chùa-một nét ẩm thực rất độc đáo và sang trọng. Cũng món giò nhưng là thứ làm bằng đậu phù trúc, tức là từ váng bột đậu tương, ăn vừa giòn,vừa thơm, vừa lành. Cũng là chả nhưng là thứ chả làm từ đậu xanh đãi vỏ, giã nát hòa vào nước riềng, viên lại, rán trong dầu vừng, ăn vừa thơm, vừa ngậy. Rồi nộm rau giá, vừng lạc, điểm mấy lá mùi tàu, tía tô, kinh giới. Lại có món canh thập cẩm gồm su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, măng khô, đậu phù trúc lá, vị ngọt và thanh lạ (cỗ chay từ gần trăm năm nay ngon nhất vẫn là từ tay sư cụ Đàm Ánh, Tết Mậu Tý này cụ đã ngoài 90 tuổi, người nấu cỗ chay ngon nhất, giỏi nhất chưa ai bì kịp ở Hà thành). Sau đó nhà chùa cho ăn tráng miệng bằng món xôi vò, chè đường ngọt mát, thơm hương hoa bưởi đầu mùa, hoặc là món chè kho đậu xanh quấy kỹ, thơm hương thảo quả.
Kết thúc một khóa lễ rằm tháng Giêng như thế thật là an lành, mỹ mãn, để lại cho ta niềm thanh thản, nhẹ nhàng, thư thái khi bước vào một năm mới tràn ngập công việc và những niềm hy vọng tốt lành.
MINH NGUYỆT