Tại hội nghị, các nước thành viên đánh giá năm đầu tiên triển khai Chiến lược Mekong – Nhật Bản 2024 đã góp phần tạo những bước tiến mới trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối hạ tầng giao thông tại tiểu vùng.

Các Bộ trưởng khẳng định cam kết tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác Mekong – Nhật Bản (MJC) trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến khó lường, hợp tác đa phương đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen. Để bắt kịp các xu hướng mới và nhu cầu phát triển của các thành viên, các Bộ trưởng nhấn mạnh MJC cần tập trung vào chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực số, đầu tư phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, quản lý bền vững nguồn nước, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm mạng.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 16. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hợp tác Mekong – Nhật Bản triển khai theo tư duy mới, phương thức mới, cách tiếp cận mới nhằm xây dựng cơ chế MJC sáng tạo và thích ứng. Phó thủ tướng, Bộ trưởng đề xuất thời gian tới hợp tác Mekong – Nhật Bản tập trung ba nhóm lĩnh vực ưu tiên. Thứ nhất, tăng cường kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, triển khai các sáng kiến thương mại xuyên biên giới, nâng cao năng lực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Thứ hai, tăng tốc số hóa, đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm số và ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất và quản lý của mọi lĩnh vực. Thứ ba, gia tăng các giải pháp liên ngành để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực – nước – năng lượng, đầu tư và chuyển giao công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh, khu vực tư nhân là lực lượng then chốt để MJC hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trên. Trên tinh thần đó, các nước thành viên hoan nghênh sáng kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng về tổ chức định kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong – Nhật Bản nhằm phát huy tiềm năng và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Mekong – Nhật Bản.

Các nước thành viên đánh giá cao vai trò đồng chủ trì của Việt Nam và Nhật Bản trong nâng tầm hợp tác MJC và nhất trí nối lại Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản vào cuối năm 2025. Kết thúc hội nghị, Việt Nam và Nhật Bản ra Tuyên bố đồng Chủ tịch.

*Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Iwaya Takeshi và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazia Cassis.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Iwaya Takeshi. Ảnh: Báo Thế giới Việt Nam

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Iwaya Takeshi, hai Bộ trưởng nhất trí cùng thúc đẩy triển khai các trụ cột hợp tác mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Iwaya Takeshi khẳng định, Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học kỹ thuật, AI…

Tại buổi tiếp, hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Nhật Bản và hợp tác Mekong – Nhật Bản ngày càng thực chất và hiệu quả.

* Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazia Cassis, hai bên đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương, thể hiện qua các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos) tháng 1-2025; nhất trí phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao đã được ký trong chuyến công tác tại Thụy Sĩ của Thủ tướng.

Tại cuộc gặp, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

NGỌC ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.