QĐND - Dáng người anh bạn tôi giờ đã thanh thoát hơn. Trước đây, anh phục phịch lắm, mọi người vẫn gọi anh bằng cái tên thân mật là “thằng béo”.

Tôi vẫn luôn nghĩ, kẻ như “thằng béo” thì chẳng bao giờ có gì để mà lo nghĩ. “Thằng béo” sinh ra trong một gia đình trí thức, có điều kiện dư giả về kinh tế. Được cha mẹ quan tâm có lẽ là hơn mức cần thiết nên “thằng béo” có cách tư duy và hành động đúng như một “cậu ấm con quan”.

Lâu lâu rồi, chiều qua, anh em tôi mới gặp lại nhau trên bàn bia vỉa hè. Ngồi kể chuyện “trên trời, dưới biển” cho nhau nghe, chuyện trong những chuyến công tác của tôi và bạn có những trận rượu tiếp khách – khách tiếp, chỉ nghe thôi cũng thấy mệt. “Thằng béo” không giỏi lắm về các môn thể thao cơ bản bởi thân hình hắn chỉ kém nhân vật Hoàng trong tác phẩm “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao đôi chút. Nhưng với các môn thể thao “trí tuệ”, ít di chuyển, hay ngồi một chỗ như tiến lên, tá lả, bi-a thì “thằng béo” ít có đối thủ. Nó có biệt tài nhớ được nhiều dữ liệu liên quan đến những con số, tỷ số của nhiều trận đấu từ túc cầu đến quần vợt, bóng rổ v.v..

Tôi kể cho “thằng béo” nghe trong chuyến đi công tác tuần trước, tôi sơ ý làm rơi mất điện thoại, nhưng vẫn nhớ được khoảng 50 số điện thoại. Tôi quả quyết, nếu đọ trí nhớ về số điện thoại thì “thằng béo” không thể thắng nổi tôi. “Thằng béo” hắng giọng: “Chú không phải đối thủ của anh đâu! Giờ không cần đọ nhớ số điện thoại làm gì, như thế thì lâu, mất thời gian. Anh với chú đọ nhớ biển số xe của người trong cơ quan có phải là nhanh hơn không!”.

Ngày trước, “thằng béo” cũng ở cùng cơ quan với tôi. Trong mơ cũng chẳng bao giờ tôi lại nghĩ có thể có người để ý đến cả biển số xe của đồng nghiệp. Nói là làm, hắn đọc luôn biển số xe của từng người phòng tôi trước. Từng số xe như những con số trong người hắn theo lệnh là tuôn ra. “Thằng béo” đọc được đến phòng, ban thứ tư thì tôi “choáng”! Tôi bảo thôi, không phải đọc nữa. Tôi xin thua luôn và trận bia này tôi trả tiền mà “tâm phục, khẩu phục”.

Lại nhớ có lần ngồi nhà thầy tôi uống rượu xem trận chung kết quần vợt của giải Grand Slam giữa hai tay vợt hàng đầu thế giới là Na-đan và Phê-đê-rơ. Anh em trong nhà mới hỏi nhau về mức tiền thưởng của giải là bao nhiêu và giải nam với giải nữ chênh lệch mức thưởng như thế nào. Cả nhà cãi nhau một hồi, ai cũng đưa ra những con số mà không ai tin ai cả. Tôi nói, mình không biết nhưng có bạn làm về mảng thể thao và rất có thể có câu trả lời chính xác. Vậy là cả nhà lấy tôi làm trọng tài và đợi cú điện thoại tôi gọi cho “thằng béo”. Câu chuyện chỉ trong chưa đầy mười giây đã có kết quả. Chẳng có ai trong nhà tôi có kết quả giống thế nên mọi người bán tín, bán nghi. Để phân xử, tôi cùng anh tôi vào nhà bật máy tính, kiểm tra thông tin trên Google. Kết quả, con số mà “thằng béo” đưa ra không sai lấy một ly.

Giờ ngồi trên bàn làm việc một mình, tôi tha thẩn ngẫm nghĩ, cái mà tôi luôn chủ quan cho rằng, “thằng béo” thật vô tâm chẳng phải đã sai sao? Sự suy nghĩ, yêu thương con người được thể hiện theo nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Tôi đã vô tâm và chủ quan mất rồi!

Dương Tuấn