Khi còn nhỏ, những ngày cận Tết, tôi thường lẽo đẽo theo bà ngoại ra chợ bán cau, có năm cau rẻ, có năm cau đắt, nhưng trước Tết bà sẽ kiếm được một khoản, vì vườn nhà bà rất rộng, có tới 20 cây cau. Đến ngày 25 Tết (âm lịch), bà dẫn tôi đi chợ mua lá dong, lạt, gạo nếp, đậu xanh để chuẩn bị gói bánh chưng.

leftcenterrightdel

Cau là loại quả không thể thiếu trong phiên chợ Tết. Ảnh: DIỆU HUYỀN 

Đúng ngày 28 Tết (âm lịch), tôi cùng mẹ và chị gái ngồi cọ lá dong, bà ngoại thì ngâm gạo, đi chợ mua thịt về tẩm ướp gia vị, để tạo ra chiếc bánh chưng vừa ăn. Cuối cùng, bố tôi sẽ là người gói bánh, bố là một người rất khéo tay, gói bánh nhanh, đều và đẹp.

leftcenterrightdel

Cả gia đình quây quần chuẩn bị gói bánh chưng dịp Tết. Ảnh: DIỆU HUYỀN 

leftcenterrightdel

Thấy bánh chưng là thấy Tết. Ảnh: DIỆU HUYỀN 

Nhà tôi thường đun bánh chưng vào buổi đêm, tôi cùng chị gái ngồi trông nồi bánh tới sáng, thỉnh thoảng chúng tôi lại vặn thêm chậu nước đổ vào nồi bánh, tiếp củi để cho bếp không bị tắt. Trước khi đun bánh, chị gái của tôi thường chuẩn bị khoai, ngô và mía, cứ như vậy cả đêm chúng tôi trông nồi bánh lại có thêm món khoai nướng, ngô nướng và mía nướng để ăn. Những món ăn tuy đơn giản ấy, tại giây phút ngồi trông nồi bánh chưng ngày cận Tết, hai chị em tôi lại cảm thấy ngon lạ thường.

leftcenterrightdel

Những món ăn đơn giản khi ngồi trông nồi bánh chưng. Ảnh: DIỆU HUYỀN 

Có những năm bà ngoại khó ngủ, 3 giờ sáng đã dậy ngồi trông nồi bánh cùng chúng tôi, khi ấy tôi đã nhớ ngay đến những câu thơ trong bài thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”.

leftcenterrightdel

Bà ngoại tác giả cùng thức trông nồi bánh khi đêm khó ngủ. Ảnh: DIỆU HUYỀN 

Năm nào nhà tôi cũng gói và đun bánh chưng tại nhà ông bà ngoại. Ông bà ngoại của tôi có 6 người con, mẹ tôi là người con gái duy nhất lấy chồng làng và ở gần với ông bà, các bác và dì tôi đều ở xa. Mỗi dịp Tết đến, ông bà ngoại tôi lại gói rất nhiều bánh chưng, để khi con cháu ở xa về quê sẽ có cặp bánh làm quà.

leftcenterrightdel

Gia đình sum vầy nhân dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: DIỆU HUYỀN 

Ở bên nội, tôi là đứa cháu rất được ông nội chiều chuộng. Mỗi lần Tết đến, ông lại chở tôi trên chiếc xe đạp cũ ông đã có từ hàng chục năm nay, đèo tôi ra phiên chợ làng, ông mua cho tôi bộ quần áo mới, đôi dép mới để diện Tết. Phiên chợ Tết ở quê thật nhộn nhịp, khiến cho mọi đứa trẻ như tôi lúc bấy giờ vô cùng thích thú.

Tôi nhớ như in cứ sáng mồng 1 Tết, tôi sẽ được ông nội lì xì đầu tiên, tiếp tới sẽ là bố mẹ và người thân họ hàng. Khi mồng 2 Tết đến nhà ông bà ngoại chúc Tết, sẽ được bà lì xì. Ở quê, Tết đến vui nhất là đi thăm chúc Tết tất cả người thân, họ hàng trong làng, trong xã,…cùng nhau ăn mứt, uống trà và biết bao câu chuyện được kể trong không gian ấm áp.

leftcenterrightdel

Mâm cơm ngày Tết. Ảnh: ĐỖ HẰNG 

Mâm cơm ngày Tết của nhà tôi thường có bánh chưng, thịt gà, nem, thịt đông, dưa hành, giò xào, canh măng… Tôi thích nhất là món thịt đông mẹ làm, bát thịt đông úp ngược ra đĩa, trông mịn, nhìn rõ từng miếng thịt, từng miếng mộc nhĩ bên trong, điểm thêm những bông hoa được cắt tỉa từ củ cà rốt rất bắt mắt. Món thịt đông mẹ làm thường hơi nhạt, để khi ăn sẽ chấm với nước mắm rắc chút hạt tiêu, khiến món ăn càng thêm thơm ngon, đậm vị. Với tôi, thấy món thịt đông mẹ làm là thấy Tết và món ăn này thật sự rất tốn cơm.

Người ta thường nói đi thật xa để trở về. Đúng vậy, dù có đi đâu tôi vẫn luôn muốn Tết sẽ trở về bên gia đình thân thương của mình để chúc Tết mọi người. Bởi quà nào bằng gia đình sum vầy, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên.

DIỆU HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.