Những cơn mưa phùn lất phất trong cái lạnh se sắt mang mùa xuân về với vùng núi cao Tả Sử Choóng, nơi sở hữu hàng chục ha ruộng bậc thang uốn lượn đã được công nhận là Di tích quốc gia và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm số đông.
Những năm qua, bà con vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, từ nếp ăn, nếp mặc, nếp nhà, đến các phong tục, lễ hội.
 |
Bức tranh thiên nhiên Tả Sử Choóng tuyệt đẹp với ruộng bậc thang ẩn hiện trong mây. |
Ông Hoàng Văn Khương, Phó chủ tịch UBND xã Tả Sử Choóng cho biết: “Ở đây, chủ yếu là người Mông, họ thường đón Tết cổ truyền vào tháng âm. Bà con bắt đầu chuẩn bị đón Tết từ ngày 25-12 âm lịch. Đến ngày 30, bà con chuẩn bị đồ đón Tết, nhà nào có điều kiện thì sẽ mổ lợn, gói bánh chưng dâng ban thờ tổ tiên. Cúng xong, gia đình sẽ tụ tập ngồi lại với nhau ăn bữa cơm, rồi phân đi các hộ gia đình để chúc tết, thăm hỏi, động viên nhau, chúc mừng năm mới.”
Vào những ngày giáp Tết, bà con người dân tộc Mông tại Tả Sử Choóng bắt đầu nhộn nhịp mua sắm, chuẩn bị những món đồ cần thiết cho ngày Tết cổ truyền. Người thì mua thực phẩm, bánh kẹo, người thì sắm sửa quần áo mới, những vật dụng trong gia đình. Phiên chợ ngày giáp Tết tấp nập hơn ngày thường, ai nấy đều muốn chuẩn bị chu tất để đón năm mới với thật nhiều may mắn.
Nghệ nhân Vàng Seo Tú (xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì) chia sẻ: “Mình chuẩn bị Tết thì phải có thứ nhất là thịt lợn, thứ hai là mấy con gà, thứ ba là rượu, thứ tư mình phải có quần áo mặc đẹp mới không sợ xấu hổ. Anh em về, mình phải có rượu thịt, thức ăn, anh em mới không đánh giá mình. Mình phải có đầy đủ, mình không có nhiều thì cũng phải chuẩn bị đủ ăn 5 ngày. Ai về, mình cũng mời ăn. Không phải dân tộc mình, không phải gia đình mình, dân tộc Nùng, dân tộc Tày, người Kinh về, cũng là anh em hết, mình cũng mời ăn thoải mái vô tư.”
 |
Nghệ nhân Vàng Seo Tú cùng vợ đi chợ phiên chuẩn bị cho ngày Tết. |
Theo nghệ nhân Lù Vàng Pao (xã Tả Sử Choóng), người Mông ở đây lưu giữ được nguyên vẹn phong tục đón Tết từ thời xa xưa các cụ truyền lại, từ việc quét dọn nhà cửa đến các lễ cúng và việc chơi tết.
Ông cho biết: “Từ khoảng 13 giờ chiều 30 Tết là mọi người tập trung quét dọn ở nhà, không đi đâu nữa. Nghi thức quét nhà có ý nghĩa là hết một năm trôi qua, quét hết cái cũ đi, đón cái mới về. Rồi cuốc, xẻng, dụng cụ lao động để vào một bên phía bàn thờ, dán giấy vào, vì theo các cụ nói rằng, chúng đã cùng mình đi làm trong suốt cả năm mà không được hưởng gì, nên dán cái giấy lại với ý là cho nó nghỉ và mình không được động vào nó, cho đến ngày mùng 3, sau khi đốt giấy cho các cụ đi, thì mình cũng đốt cái giấy của nó rồi mới đi làm, để đi làm không bị thương, không bị đứt tay chảy máu.”
Ngoài ra, bà con còn chuẩn bị hương, giấy đỏ, giấy (tiền vàng) dán trên bàn thờ tổ tiên, ở cửa phải thay vải đỏ và dán giấy. Các gia đình người Mông rất coi trọng việc trang trí bàn thờ ngày Tết. Người Mông không mua các đồ trang trí sẵn, mà tự làm các đồ trang trí, nhằm thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.
Mỗi ban thờ thường có 3 ô giấy vuông có thếp vàng ở giữa, tượng trưng cho 3 đời tổ tiên. Nhìn có vẻ đơn giản vậy, nhưng với người Mông, đây là nghi lễ vô cùng linh thiêng, phải thực hiện cẩn trọng và tuân theo những quy định nghiêm ngặt.
Theo phong tục, không phải ai cũng có thể trang trí được bàn thờ, mà chỉ những người đàn ông có trọng trách trong nhà mới được làm phần việc này.
 |
Nghệ nhân Vàng Seo Tú dọn dẹp, sửa soạn bàn thờ. |
Sau khi trang trí bàn thờ, họ bắt đầu mổ gà, làm mâm cơm cúng.
Mâm cơm cúng của người Mông ở Tả Sử Choóng thường chỉ đơn giản với món thịt và bát cơm nóng, được sắp xếp ngay ngắn dâng lên thần linh, tổ tiên.
Ông Pao cho biết thêm: “Theo phong tục của người Mông, phải thắp hương 3 đêm xong mới thả các cụ đi. Lấy hương, lấy giấy cắt xong, đến sáng ngày mùng 3, khoảng 1-2 giờ sáng mình dậy làm cơm, làm ít thôi: Một ít cơm, một ít thịt để cúng bàn thờ, sau đó lấy giấy, lấy hương đốt cho các cụ. Sáng mồng 2 không làm gì; đến sáng mồng 3, tầm 2 giờ sáng mình cúng lễ cho tổ tiên, các cụ, rồi đốt giấy, các cụ, ông, bà đi rồi, sáng ra mình thoải mái đi chơi, xong là mình chơi đến ngày mồng 5 là hết Tết rồi.”
Nghi thức cúng tổ tiên bắt đầu khi người đàn ông trong gia đình mặc trang phục truyền thống của dân tộc và ngồi trước bàn thờ đọc lời khấn.
Bài cúng này họ cũng phải học và sau này truyền dạy lại cho các thế hệ sau. Nghệ nhân Tú kể : “Từ xưa đến bây giờ bố mẹ dạy như thế nào, mình cũng phải nhớ để làm. Cái tư tưởng của mình, cái đầu óc của mình, thì mình cũng phải nhớ được hết, cúng cái gì, như thế nào, ngày Tết bố mẹ dạy làm gì, phải làm đúng như thế. Tôi còn đến nhà các con tôi để dạy chúng học chữ, dạy cúng ma, cúng bố mẹ, làm cái này cái kia.”
 |
Ông Tú kể, ông đã sống ở đây rất lâu rồi, từ thời bố của ông cũng sinh ra tại ngôi nhà này. |
Tết của đồng bào Mông ở Tả Sử Choóng còn có một nghi thức quan trọng, đó là nghi thức lấy nước về để cúng.
Nghệ nhân Pao cho biết: “Sáng mồng 1, khoảng 2 giờ sáng mình dậy, lấy 3 que hương, 3 cái giấy, đi ra bể nước thắp hương, cầu nguyện cho đầu nước trong 3 bên trời quản lý, cầu xong thì lấy nước về và nói rằng “năm cũ đã trôi qua, năm mới đã về, thì lấy nước về để nấu cơm”.
Ngoài ra, trong Tết truyền thống của người Mông nơi đây, còn có một món ăn không thể thiếu, đó là bánh dày làm bằng gạo nếp nương thơm. Chiếc bánh dày tròn đầy thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Mông.
Dù đơn sơ, giản dị là thế, nhưng đây là cái Tết đặc trưng theo truyền thống của đồng bào Mông ở Tả Sử Choóng!
 |
Gia đình người dân tộc Mông ở Tả Sử Choóng quây quần bên mâm cơm ngày Tết. |
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.