Pouk Mongheng, một du học sinh đến từ Campuchia, đã học tập tại Việt Nam được khoảng gần 4 năm. Với Pouk Mongheng, Tết cổ truyền của Việt Nam luôn để lại nhiều ấn tượng thật tốt đẹp và sâu sắc. Đặc biệt, đi lễ chùa cùng các bạn vào mỗi dịp cuối năm là một trải nghiệm thật thú vị của cậu mỗi khi Tết đến xuân về.
Pouk Mongheng chia sẻ: “Tôi rất thích đi lễ chùa cùng các bạn vào dịp cuối năm ở Việt Nam. Ở Campuchia, chúng tôi cũng thường đi lễ chùa nhưng vào dịp đầu năm mới. Chúng tôi quan niệm đi lễ chùa vào dịp năm mới để cầu mong cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự hanh thông”.
 |
Pouk Mongheng thích thú khi được trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Được trải nghiệm dịp lễ đặc biệt này, hòa mình vào không khí háo hức sắm tết của người dân Việt Nam, Pouk Mongheng và những người bạn cảm nhận được tình cảm gắn bó, đong đầy tình thân của các thành viên gia đình Việt trong những ngày xuân sum họp.
Cảm nhận về không khí Tết cổ truyền của người Việt, Nim Nary, sinh viên Campuchia năm thứ nhất Đại học Bách Khoa Hà Nội, có rất nhiều cảm xúc. Với cô, đó là sự ấm áp, cũng có thể là những trải nghiệm mới mẻ đầy màu sắc nơi xứ lạ.
 |
Nim Nary, sinh viên Campuchia, học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Đón Tết Việt, tôi có thể hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Tôi luôn cảm thấy rất thú vị khi được trải qua các lễ nghi truyền thống trong ngày lễ quan trọng này. Đặc biệt Việt Nam có văn hóa ẩm thực rất phong phú. Trong ngày Tết có rất nhiều món ăn, món nào cũng ngon và hấp dẫn. Tôi ấn tượng nhất là món bánh chưng. Phong tục đón năm mới của các bạn cho tôi được cảm giác gần gũi với quê hương tôi, bởi ở Campuchia chúng tôi cũng tự tay làm những món ăn truyền thống vào các dịp lễ quan trọng. Tôi rất thích không khí tết ở đây”, đó là cảm nhận của Nim Nary.
Đón Tết Việt Nam, được thưởng thức những món ăn đặc trưng, trải nghiệm những trò chơi dân gian, hiểu sâu hơn về phong tục Tết cổ truyền cũng như văn hóa Việt là những điều thú vị đối với du học sinh Campuchia. Với Chhoeun Layhuoy, suốt 3 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, cô đã tìm hiểu rất nhiều về văn hóa Tết Việt. Từ không khí sum vầy, đến những món ăn đặc trưng và cả những phong tục không thể thiếu dịp đầu xuân năm mới.
 |
Chhoeun Layhuoy thật sự ấn tượng với văn hóa Tết Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Tết Việt có những điểm giống và điểm khác với tết cổ truyền của chúng tôi. Tết cổ truyền Campuchia hay còn gọi là Chol Chnam Thmay, đây là một trong những lễ hội lớn mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người dân Khmer. Thời gian tổ chức ngày tết cổ truyền Campuchia là khoảng giữa tháng 4 dương lịch (từ ngày 13 đến 15 tháng 4 dương lịch). Cũng như ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, vào những ngày này, gia đình Khmer nào cũng dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống, mặc những bộ quần áo mới,… Mọi người cũng sẽ nghỉ ngơi, đi thăm hỏi và chúc tết lẫn nhau. Tuy nhiên, thời khắc đón giao thừa trong ngày Tết cổ truyền của người dân Campuchia có khác với người Việt Nam. Người ta không quy định thời khắc giao thừa vào đêm 30 tết như người Việt mà thời khắc giao thừa có thể vào sáng, trưa, chiều, tối ở các giờ khác nhau tùy thuộc vào các sư trên chùa xem giờ đẹp và thông báo lại”, Chhoeun Layhuoy cho biết khi trải lòng về Tết Việt.
Tết là dịp để người Việt đoàn viên, sum vầy sau một năm đã qua và bên nhau chào đón một năm mới với nhiều ước vọng tốt đẹp. Còn đối với các bạn du học sinh Campuchia đang sinh sống, học tập tại Việt Nam thì Tết Nguyên đán là cơ hội tuyệt vời để họ trải nghiệm văn hóa truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sắc riêng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Không chỉ vậy, Tết còn chính là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau, tạo nên dấu ấn đặc sắc về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong lòng bạn bè quốc tế.
HUYỀN TRANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.