Nhân dịp này, Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) QĐND chia sẻ với phóng viên Báo QĐND Điện tử về các kế hoạch cũng như định hướng phát triển của Nhà xuất bản trong thời điểm quan trọng này.

leftcenterrightdel
Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường, Giám đốc, Tổng biên tập NXB QĐND phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, năm 2024 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và Quân đội, như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam… NXB đã chuẩn bị như thế nào cho các sự kiện này?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Trước hết là chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), vừa qua NXB đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tri thức văn hóa Sách Việt Nam (Vietnambook) biên tập xuất bản, tái bản bộ sách tuyên truyền về sự kiện lịch sử này. Buổi lễ ra mắt sách (16-4-2024) cũng gắn với hoạt động hưởng ứng chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, do đó vừa có ý nghĩa tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa đọc cho nhân dân, vừa có giá trị khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua các xuất bản phẩm.

Đối với công tác tuyên truyền cho kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 80 năm Ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), NXB đang tập trung vào biên soạn và xuất bản, tái bản một số cuốn sách về quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển, trưởng thành của QĐND Việt Nam. Trong đó rất nhiều cuốn sách này đã được xuất bản từ rất sớm, được tái bản nhiều lần nhưng vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Ví dụ như: "Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" của Thượng tướng Trần Văn Trà, "Đại thắng mùa xuân" của Đại tướng Văn Tiến Dũng, "Những năm tháng quyết định" của Đại tướng Hoàng Văn Thái, những tác phẩm của Đại tướng và viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay các tiểu thuyết của nhà văn Hữu Mai, Chu Lai… đã được xuất bản. Bộ sách kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam góp phần khẳng định QĐND Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; sẽ là một món quà giá trị gửi đến tất cả các độc giả trong và ngoài quân đội.

Bên cạnh đó, để chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, NXB đang tiến hành biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh "80 năm - những chặng đường vẻ vang của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam", ghi lại quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Tổng cục Chính trị bằng những hình ảnh, tư liệu quý. Đồng thời, NXB phối hợp với Cục Tuyên huấn - TCCT biên soạn bổ sung 10 năm (2014-2024) để xuất bản bộ Lịch sử Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1944-2024) gồm 2 tập. 

leftcenterrightdel
Hình ảnh một số cuốn sách được trưng bày tại Lễ ra mắt bộ sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024, do NXB QĐND và Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (Vietnambook) liên kết xuất bản. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

PV: Năm 2025 tới đây cũng có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, NXB đã chủ động xây dựng kế hoạch xuất bản gì, thưa đồng chí?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), NXB đã xây dựng kế hoạch xuất bản bộ sách kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, bao gồm nhiều thể loại từ lịch sử, hồi ký, chính trị cho đến gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là những tư liệu về các sự kiện lịch sử gắn liền với mảnh đất miền Nam thành đồng của Tổ quốc.

Đồng thời cũng xuất bản và tái bản các tác phẩm văn học tiêu biểu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó điểm nhấn là các tác phẩm về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để phục vụ cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam. Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB cũng đã tổ chức cộng tác viên, xây dựng kế hoạch bản thảo để xuất bản những cuốn sách có giá trị tuyên truyền sự kiện lịch sử trọng đại này. Chúng tôi coi đây là những nhiệm vụ trọng tâm của NXB QĐND trong năm tới.

PV: Để xây dựng và thực hiện thành công các kế hoạch đó cần rất nhiều thời gian và nhân lực. Đồng chí có thể chia sẻ biện pháp sắp xếp và phân bổ nguồn lực của cơ quan như thế nào để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Xây dựng kế hoạch xuất bản ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là việc làm thường xuyên của NXB. Chúng tôi căn cứ sự chỉ đạo của cấp trên, những sự kiện quan trọng sắp diễn ra để chủ động xây dựng kế hoạch.

NXB không chỉ làm công tác biên tập, xuất bản mà còn chủ động, thường xuyên phối hợp với các tác giả là nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội; phối hợp Cục Tuyên huấn, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và các các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để xây dựng các kế hoạch tổ chức bản thảo, sau đó chọn lựa những tác phẩm tốt, có giá trị, đảm bảo tính khách quan, khoa học và chính xác.

Mục đích là xuất bản được những tác phẩm có giá trị cho thế hệ độc giả hôm nay và mai sau. Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch chiến lược lâu dài phối hợp với công ty Vietnambook, phát huy vai trò của các tác giả, tập thể tác giả, đặc biệt là đội ngũ biên tập viên để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát hành sách rộng rãi thị trường ngoài quân đội, đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

PV: Với đặc trưng thuộc lĩnh vực quân sự chính trị, nhiều người cho rằng, đây là một lĩnh vực khá kén độc giả, do đó bạn đọc không nhiều. Đồng chí nghĩ sao về ý kiến này?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Một số ít người nhận thức chưa đúng nên mới nói vậy. Tôi cho rằng, sách về lịch sử, văn hóa, về chiến tranh, về văn học nghệ thuật, về đề tài chiến tranh cách mạng có nhiều tư liệu quý; những cuốn sách hay về lịch sử truyền thống cách mạng được viết bằng cảm xúc, trải nghiệm của những người trong cuộc với những câu chuyện sinh động và xúc động bao giờ cũng cuốn hút độc giả.

Lĩnh vực quân sự mặc dù bị coi là khô khan, nhưng vấn đề quan trọng nhất là cách thể hiện khoa học, hấp dẫn thì vẫn có tác phẩm hay, vẫn cuốn hút được độc giả. Đề tài về chiến tranh cách mạng, về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cho đến nay vẫn là “mảnh đất” chưa được khai phá hết, thể hiện chưa hết, nhất là văn học nghệ thuật.

Đất nước thống nhất đã gần 50 năm, nhưng những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn chưa có tác phẩm vĩ đại, xứng tầm với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của QĐND Việt Nam cũng như của dân tộc Việt Nam. Đây là mong muốn của độc giả đối với các tác giả, nhà văn nói chung và NXB nói riêng.

PV: Để thu hút độc giả ngoài quân đội, nhất là các độc giả trẻ, NXB đã có giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Để thu hút được những độc giả ngoài quân đội nhất là giới trẻ hiện nay thì NXB đã chú trọng đến cả nội dung và hình thức. Trước hết, phải khẳng định nội dung của tác phẩm quyết định đến sự thành công của tác phẩm, nội dung thể hiện phải sinh động, hấp dẫn, gần gũi với đời thường, tiếp cận nhiều hơn với các độc giả trẻ.

Do đó, không chỉ bó hẹp về lĩnh vực chính trị, quân sự, chúng tôi đã mở rộng ra các đề tài về kỹ năng sống, tình yêu, các tác phẩm văn học mới, và cả kinh tế, thị trường để làm phong phú các thể loại xuất bản phẩm phục vụ tất cả đối tượng bạn đọc. Đây là một trong những chiến lược mà NXB đã và đang tiếp tục thực hiện.

Hai là cùng một tác phẩm thì phải sự kết hợp hài hòa cả nội dung và hình thức, nội dung tốt nhưng hình thức không “bắt mắt”, trình bày không hiện đại thì cũng khó được độc giả để ý, đặc biệt là hướng tiếp cận mới mà bạn trẻ mong muốn. Vì vậy NXB đang đổi mới về vẽ bìa, trình bày chế bản đáp ứng thị hiếu bạn đọc, đảm bảo sách tốt về nội dung, đẹp về hình thức.

Ba là công tác tuyên truyền cho phát hành, tức là hoạt động truyền thông, giới thiệu sách. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp báo ra mắt sách, thông qua báo chí truyền hình để giới thiệu các tác phẩm đến với bạn đọc. Trong thời đại 4.0, việc tận dụng các nền tảng của mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Tiki... để giới thiệu và phát hành sách cũng được NXB quan tâm.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự trao đổi với Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường, Giám đốc, Tổng biên tập NXB QĐND về thiết kế mỹ thuật của bộ sách. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

PV: Như đã đề cập ở trên, các ấn phẩm của NXB thuộc lĩnh vực quân sự, chính trị trước khi được xuất bản đều phải trải qua khâu biên tập kỹ càng và gắt gao. Đồng chí hãy cho biết khâu nào trong quy trình biên tập, xuất bản là quan trọng nhất để đảm bảo có một ấn phẩm hoàn hảo cho bạn đọc?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Trong quá trình biên tập xuất bản thì khâu nào cũng quan trọng, mỗi một khâu có vị trí, vai trò và có ý nghĩa khác nhau. NXB được hình dung như một dây chuyền sản xuất mà các công đoạn gắn bó mật thiết với nhau, từ lúc nhận bản thảo đầu vào cho đến khi cuốn sách được in ra, phát hành phải trải qua vài chục khâu bước khác nhau.

Trong đội ngũ cán bộ NXB, biên tập viên đóng vai trò quan trọng nhất. Công tác biên tập nói chung yêu cầu rất cao, phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ về câu chữ, nội dung. Đối với từng thể loại sách khác nhau thì lại có những yêu cầu mang tính đặc thù. Ví dụ như sách lịch sử đòi hỏi phải được thống nhất chuẩn hóa về nội dung, về số liệu và sự kiện trên cơ sở tôn trọng khách quan của lịch sử; với sách văn học lại yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng cũng không được làm mất đi phong cách cũng như là dấu ấn cá nhân của tác giả. Các quy trình biên tập xuất bản nói chung phải được tuân thủ hết sức khắt khe, đầy đủ và đúng trình tự để đảm bảo một xuất bản phẩm sau khi phát hành không có sai sót xảy ra.

PV: Trong quá trình chuyển đổi số, NXB QĐND đã triển khai cho ra các ấn phẩm, ấn bản điện tử dạng nào để phù hợp với xu hướng của thời đại?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Xuất bản điện tử được đánh giá là xu hướng của ngành xuất bản trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ. Các NXB muốn thích ứng với thời đại để duy trì và phát triển đều phải chuyển đổi số và xuất bản điện tử là một tất yếu khách quan của xuất bản.

Hiện nay, ấn phẩm xuất bản điện tử của NXB Quân đội nhân dân đã được phát hành trên hai hệ thống là mạng quân sự (MISTEN) và mạng Internet, đối tượng phục vụ lần lượt là cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và độc giả trên cả nước và thế giới. Ấn phẩm điện tử có nhiều dạng thức: Sách chữ, sách nói, sách tích hợp đa chức năng có cả âm thanh, hình ảnh và video clip...

Tuy nhiên sách điện tử hiện nay chưa có hiệu quả về kinh tế, chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều trong vấn đề tiếp cận thị trường và tạo doanh thu. Mặc dù vậy, song song với xuất bản sách giấy truyền thống, chúng tôi vẫn xác định xuất bản điện tử là xu thế của xuất bản trong tương lai, do đó NXB tiếp tục đề nghị trên cấp kinh phí bảo trì, nâng cấp hệ thống, đặc biệt là đầu tư về nhân lực quản trị, làm chủ công nghệ.

Dù xuất bản điện tử hiện đại hay xuất bản truyền thống thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung. Nội dung của các tác phẩm phải được thể hiện bằng tình yêu nghề, trách nhiệm của các tác giả và biên tập viên, công nghệ cũng chỉ là hỗ trợ cho tác phẩm xuất bản. Để một tác phẩm xuất bản điện tử hấp dẫn, có nét riêng, có sự sáng tạo thì vẫn cần con người dồn tình cảm, trách nhiệm, năng lực của mình vào trong tác phẩm ấy.

leftcenterrightdel
Trụ sở NXB QĐND tại số 23, Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

PV: Theo đồng chí, để có thể quảng bá hơn nữa sức ảnh hưởng và độ nhận diện của NXB QĐND tới tất cả độc giả, cần phải có giải pháp như thế nào?

Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường: Như tôi đã nói ở trên, để các tác phẩm và tên tuổi NXB QĐND đến với độc giả rộng rãi hơn thì không gì ngoài việc phải giữ vững và phát huy thương hiệu của xuất bản quân đội đã có từ gần 75 năm nay. Vị thế, uy tín của thương hiệu này đã neo trong lòng độc giả bằng chính giá trị thực của nó.

Thứ hai là phải tăng cường tuyên truyền, quảng bá để đưa các tác phẩm tiếp cận bạn đọc, không thể trông chờ “rượu ngon không sợ ngõ sâu”.

Thứ ba là phải đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức bản thảo, bằng cách mở rộng mạng lưới cộng tác viên, các nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như dịch giả trong và ngoài quân đội, tổ chức gặp gỡ, hội thảo, hợp tác… để họ có thể tin tưởng gửi gắm đứa con tinh thần đến NXB. Cuối cùng là đội ngũ cán bộ, biên tập viên của NXB phải luôn luôn tự hoàn thiện mình, tích cực học tập và đổi mới phương pháp, tác phong công tác nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xuất bản quân sự.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HẢI YẾN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.