Chương trình đã mang đến những không gian văn hóa, nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc sông nước Nam Bộ. Thực tế, đờn ca tài tử Nam Bộ đã xuất hiện nhiều ở các chương trình nghệ thuật quảng bá văn hóa, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội, liên hoan; được giới thiệu, giảng dạy trong các trường học và là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc.
 |
Tiến sĩ Lê Hồng Phước. |
Với hệ thống gần 300 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử đang hoạt động, TP Hồ Chí Minh đang có nguồn lực phong phú để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để khai thác có hiệu quả vốn văn hóa truyền thống này trong giai đoạn mới, thành phố cần đầu tư một cách thích hợp, chú trọng đào tạo thế hệ kế thừa, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhằm duy trì, đẩy mạnh và bảo tồn loại hình này, các câu lạc bộ đờn ca tài tử cũng nên tổ chức các chương trình tập huấn cho hội viên, giúp họ hiểu sâu, rõ hơn loại hình nghệ thuật dân tộc, góp phần gìn giữ vốn quý di sản văn hóa của cha ông để lại.
Thông thường, các câu lạc bộ tại các tỉnh Nam Bộ sẽ chọn bối cảnh sân vườn, bờ sông có ánh trăng, cảnh đẹp thi vị làm không gian thực hiện buổi sinh hoạt đờn ca. Tuy nhiên, ở thành phố, hoạt động đờn ca tài tử có sự thay đổi để thích ứng với không gian đô thị. Việc chọn không gian sinh hoạt tại quán cà phê, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà riêng... là những hình thức đang được các nhóm, câu lạc bộ lựa chọn. Chúng ta cần tạo thói quen nhận diện cho công chúng, du khách về hoạt động đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh. Các không gian phù hợp với đờn ca tài tử có thể là những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đơn cử như tại khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình hay phố đi bộ Nguyễn Huệ, nên dành một không gian cho đờn ca tài tử để các câu lạc bộ luân phiên, duy trì hoạt động phục vụ du khách. Ngoài ra, thành phố có thể xây dựng những chương trình biểu diễn nghệ thuật, lấy đờn ca tài tử làm chất liệu chính để phục vụ ở các không gian trung tâm. Các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, nhân các ngày lễ lớn cần có những tiết mục đờn ca tài tử được dàn dựng công phu, phù hợp, nhằm tăng sức sống và biên độ "phủ sóng" cho loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.
MINH HƯƠNG (ghi)
--------
Thạc sĩ Phạm Thái Bình, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:
Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nghệ thuật dân gian
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, trong các lễ hội mang tính cộng đồng hay quảng bá, xúc tiến kinh tế-du lịch TP Hồ Chí Minh không thể thiếu hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian. Các chương trình được đầu tư dàn dựng quy mô, giàu bản sắc, quy tụ đội ngũ đông đảo và chất lượng không chỉ của thành phố mà còn của cả khu vực Nam Bộ; góp phần đưa nghệ thuật dân gian ngày càng lan tỏa, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân đô thị.
 |
Thạc sĩ Phạm Thái Bình. |
Tuy nhiên, đứng trước những đổi thay của cuộc sống đương đại, sự giao thoa, du nhập của các loại hình nghệ thuật, để bảo tồn và phát triển, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật dân gian, đòi hỏi sự tiếp tục chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Do đó, thành phố cần quan tâm, đầu tư các địa điểm sinh hoạt cố định để biểu diễn, giới thiệu, quảng bá tới du khách, công chúng, đặc biệt là du khách nước ngoài. TP Hồ Chí Minh là “mảnh đất lành” dung dưỡng nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật dân gian-dân tộc tỏa sáng và thăng hoa. Tuy nhiên, để đào tạo thế hệ khán giả hiểu biết có thể thưởng thức loại hình này, thành phố cần phát hiện, tìm kiếm những em có năng khiếu, có đam mê, sau đó bồi dưỡng, đào tạo thêm để tạo thành những đội hình biểu diễn chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng đương đại.
PHẠM HƯƠNG (ghi)