Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, Biennale Photo Hanoi’23 có đặc điểm gì đáng chú ý?

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: “Biennale” là một thuật ngữ để chỉ các liên hoan nghệ thuật lớn được tổ chức định kỳ hai năm một lần hoặc các sự kiện văn hóa có khả năng thúc đẩy du lịch đa quốc gia. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp do Viện Pháp tại Việt Nam lên ý tưởng, kêu gọi 20 đại sứ quán tham dự và có sự phối hợp tổ chức của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội.

Sự kiện còn kêu gọi tài trợ từ rất nhiều đơn vị khác, mục đích tạo ra một “bữa tiệc” về nghệ thuật, bao gồm: Triển lãm, tọa đàm, tương tác với du khách (workshop), tham quan nghệ thuật... Sự kiện đã tổ chức những buổi tọa đàm rất chất lượng, ví dụ như “Nhiếp ảnh nghệ thuật và giáo dục bậc cao” tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là lần đầu tiên vấn đề đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật tại hệ đại học được bàn thảo chuyên sâu, đa chiều từ nhiều góc độ cả trong nước và quốc tế.

leftcenterrightdel

 Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển chính của Biennale Photo Hanoi’23. 

Photo Hanoi’23 không chỉ là một sự kiện thông thường trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác mà còn đưa bạn bè thế giới tới gần hơn, hiểu sâu hơn về văn hóa, nghệ thuật, con người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Chính từ không gian giao lưu đa dạng này, hiện nay có rất nhiều thành phố tại các quốc gia trên thế giới đã tổ chức những Biennale nghệ thuật, ví dụ một phiên bản nổi tiếng của sự kiện này là Venice Biennale ở Italy từ cuối thế kỷ 19.

Photo Hanoi’23 giống như một cuộc trình diễn tổng lực các không gian sáng tạo đô thị. Cho thấy, Hà Nội phải có tiềm lực khá lớn mới có khả năng tổ chức được một Biennale mang tầm vóc quốc tế như vậy. Bên cạnh đó, đối với khách tham quan cũng là một cơ hội tốt, hiếm có để trải nghiệm bữa tiệc nghệ thuật hoàn toàn miễn phí. Trên thế giới hiện nay các Biennale đều bán vé và thậm chí giá vé rất đắt.

leftcenterrightdel
 Triển lãm "Mười năm phơi sáng" tại Art Vietnam Salon Gallery. Ảnh do ban tổ chức cung cấp

PV: Ông có thể cho biết những tiêu chí nào để hội đồng giám tuyển lựa chọn tác giả, tác phẩm tham gia sự kiện lần này?

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Triển lãm có quy mô lớn, rất đa dạng, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ thị giác, nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam, ví dụ như các nghệ sĩ Jean-Luc Amand Fournier, Adrian Sauer, Hứa Như Xuân, Peter Steinhauer... Trong đó có không ít tác phẩm nổi tiếng như “Đền Angkor” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Khánh...

Mỗi triển lãm sẽ trưng bày tác phẩm của một nửa tác giả người Việt Nam và nửa còn lại là các tác giả nước ngoài. Mục đích các giám tuyển sắp đặt như vậy để đạt được sự cân bằng và cho thấy nghệ thuật Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới.

Trong khâu đánh giá và xét duyệt, các giám tuyển có quyền dựa trên tiêu chí, quan điểm nghệ thuật riêng của từng người để lựa chọn tác phẩm. Ban tổ chức lựa chọn các giám tuyển chuyên nghiệp và trao niềm tin.

Về tiêu chí đánh giá tác phẩm, bên cạnh những tiêu chí cơ bản như cách sử dụng thiết bị, tư duy bố cục, nắm bắt khoảnh khắc, các giám tuyển chú trọng tuyển chọn tác phẩm góp phần định hình phong cách riêng của tác giả. Tiếp theo là sự chuyên nghiệp ở đây không phụ thuộc vào thiết bị chụp ảnh mà là cách tác giả sử dụng thiết bị, cũng như sử dụng ngôn ngữ hình ảnh, tạo ra sự khác biệt, để lại ấn tượng với người xem.

PV: Sự kiện lần này mang lại giá trị, hiệu ứng như thế nào cho công chúng và sự tương tác giữa các nghệ sĩ, thưa ông?

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Biennale lần này trải rộng ở 7 quận của Hà Nội, với các cuộc triển lãm liên tiếp được mở ra trong gần hai tháng. Với thời gian của sự kiện được kéo dài, sẽ tạo điều kiện cho khách tham quan trong nước và quốc tế đến thưởng thức nhiều khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh nghệ thuật, ngoài ra là còn tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hóa... Đây là cơ hội tốt để đưa tiêu chuẩn của một sự kiện nghệ thuật quốc tế đến gần hơn với Việt Nam. Đặc biệt, với những người tích cực muốn học hỏi nhiếp ảnh sẽ là cơ hội cho họ biết đến một môi trường chuyên nghiệp về triển lãm, thực hành, nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, nếu sự kiện được tổ chức có uy tín, sẽ tạo ra thương hiệu, thu hút du khách trong nước và quốc tế dành thời gian tới trải nghiệm.

Photo Hanoi’23 đang được công chúng đón nhận nhiệt tình, cùng sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ trên khắp cả nước. Nhiều người hy vọng sẽ có một phiên bản Biennale được tổ chức tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

PV: Nếu sau hai năm nữa, sự kiện lại được tổ chức, có điều gì ông mong muốn được đổi mới, cải tiến?

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Đây là lần đầu tiên được tổ chức Biennale tại Việt Nam, nên sự hợp tác giữa các bên liên quan chưa ăn khớp; việc tổ chức, quảng bá còn tồn tại một số hạn chế. Các giám tuyển, nghệ sĩ, ban tổ chức đều có trách nhiệm cao, đóng góp rất nhiều cho thành công của sự kiện. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, chúng tôi vẫn mong muốn đưa sự kiện tương tác nhiều hơn với đối tượng học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật cho giới trẻ. Tôi hy vọng trong tương lai nếu Biennale lại được tổ chức ở Việt Nam, sẽ có sự hỗ trợ lớn hơn của chính quyền để hiệu ứng sự kiện vươn xa hơn. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THÁI PHƯƠNG (thực hiện)