Đài Bia di tích Quốc gia Báo Quân đội nhân dân đặt trên bộ tam cấp bằng đá hoa cương. Xung quanh là rừng cây xanh tốt, nơi có “Núi giăng thành lũy sắt dày/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Tố Hữu). Cây đa vươn mình khỏe khoắn, xòe tán che mát cho nhà bia. Theo lời kể của các cụ trong thôn, cây đa này thuộc hàng con cháu, còn cách đây hơn 70 năm, phía sau nơi đặt nhà bia có 3 cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cao gần 30m, tựa như bộ tam đa Phúc-Lộc-Thọ, làm vật chuẩn để cán bộ, phóng viên Báo QĐND định hướng về tòa soạn.

  Bia di tích Quốc gia Báo Quân đội nhân dân là địa chỉ về nguồn của các thế hệ cán bộ, phóng viên tờ báo chiến sĩ.

Nghiêng mình trước Bia di tích Quốc gia, cán bộ, phóng viên Báo QĐND hôm nay (và chắc chắn sau này) thêm một lần cảm phục những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Lời chỉ bảo sâu sắc của Người năm xưa trên văn bia trở thành kim chỉ nam đối với các thế hệ những người làm Báo QĐND. Ngay sau khi ra đời và đi vào hoạt động, cán bộ, phóng viên Báo QĐND không quản ngại gian khổ, hy sinh, tiên phong, tình nguyện xông pha ra trận, phản ánh, động viên kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm và những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Trở lại thăm Di tích Quốc gia Báo QĐND dịp 72 năm Ngày truyền thống của báo, trong đoàn ai nấy đều tỏ lòng thành kính. Còn đây, Bia di tích Quốc gia Báo QĐND là công trình thể hiện tình cảm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của các thế hệ cán bộ, phóng viên đối với các thế hệ cha anh đi trước và nhân dân địa phương. Mọi người trong đoàn đi vòng quanh bia... Mùi thơm của nhang quyện lấy mùi hương rừng, đất trời Việt Bắc khiến chúng tôi có cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Hình ảnh các liệt sĩ Đặng Trần Thi (Trần Đăng), Nguyễn Đắc Giới (Tân Sắc-Thôi Hữu), Hoàng Tiến Lộc (Hoàng Lộc), Nguyễn Tuấn Trình (Thâm Tâm), Lê Đình Dư (Hồ Thừa), Nguyễn Ngọc Nhu, Tô Ân, Trần Đức Tuấn, Ngô Tất Thắng như ùa về nơi “chôn rau cắt rốn” của Báo QĐND.

Ông Hoàng Vẻ Vang, Bí thư Chi bộ thôn Khau Diều cùng chúng tôi dâng nén tâm nhang, nhớ về những bậc tiền nhân của báo. Đứng ở phía sau nhà bia, chúng tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp của khu di tích này, lưng bia tựa vào núi, mặt bia nhìn xuống cánh đồng Khau Diều. Theo tiếng Tày, “Khau” là núi, “Diều” là tên một loài chim, là cánh đồng lớn và cũng có nghĩa là cánh diều.

Một cảm giác khó diễn tả khi chúng tôi chia tay nơi báo ra đời 72 năm về trước. Lúc ấy, dường như các thành viên tự đặt câu hỏi, liệu mình đã xứng đáng với niềm tin yêu của thế hệ cha anh-những người làm báo và độc giả Báo QĐND; liệu mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có thể làm tốt hơn nữa không?... Bao suy tư, tình cảm của cán bộ, phóng viên Báo QĐND trong dịp này đã được Thiếu tướng, Tổng biên tập Đoàn Xuân Bộ trang trọng báo cáo trước Bia di tích Quốc gia Báo QĐND. Bao khó khăn ngày trước, thế hệ cha ông đã kiên cường, anh dũng vượt qua thì trong thời bình, đội ngũ người làm Báo QĐND càng phải giữ cho được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, để mỗi khi cán bộ, phóng viên trở về thăm Di tích Quốc gia nơi Báo QĐND ra số đầu tiên, mọi người càng thêm vững tin mảnh đất thiêng này chính là “đường băng” để tờ báo chiến sĩ và thôn Khau Diều, xã Định Biên như những cánh diều no gió cất cánh, phát triển.

Bài và ảnh: KHOA MINH