Tìm đến Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội một ngày giữa tháng 7, chúng tôi xúc động khi hay tin cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp mới qua đời. Dù vậy, những kỷ vật kháng chiến tại bảo tàng vẫn được vợ và các con ông bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Anh Nguyễn Trường Sơn, con trai của ông Nguyễn Mạnh Hiệp bày tỏ: “Bố tôi mất đột ngột quá nên cũng không kịp trăng trối. Dù vậy, chúng tôi hiểu được tâm huyết mà bố đặt vào bảo tàng lớn đến nhường nào. Bởi vậy, các thành viên trong gia đình vẫn thường xuyên gìn giữ, bảo quản tốt hiện vật và sẵn sàng tiếp đoàn đến tham quan. Sau khi bố tôi mất, có người đến hỏi mua những hiện vật tại bảo tàng nhưng chúng tôi không bán bởi đây là tâm huyết của bố”.

Anh Nguyễn Trường Sơn giới thiệu các hiện vật tại Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội.

Được biết, để sưu tầm được hơn 3.000 hiện vật, cùng quy trình thủ tục xin cấp phép thành lập bảo tàng tư nhân là một sự dày công của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp trong gần 30 năm. Bà Phan Thị Hồng Liên, vợ của ông Hiệp, cho biết: "Sau khi phục viên về địa phương, chồng tôi đã ấp ủ ý định tạo dựng một nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh để tri ân đồng đội, giúp thế hệ tương lai cảm nhận được giá trị của độc lập, tự do qua những mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước. Cứ gom được bao nhiêu tiền là chồng tôi lại bắt xe khách đi sưu tầm hiện vật. Nhiều lúc khó khăn, ông ấy đã phải nhờ tôi đi vay tiền. Trân trọng trước tấm lòng của ông, nhiều đồng đội đã tình nguyện mang kỷ vật đến tặng, góp phần làm phong phú thêm bảo tàng".

Những hiện vật tại Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội đã được ông Nguyễn Mạnh Hiệp đăng ký với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội. Điều này vừa cho thấy tâm huyết của ông Hiệp cũng như sự chuyên nghiệp trong việc đăng ký quyền sở hữu với từng hiện vật tại bảo tàng. Trong đó, những hiện vật vỏ bom là tốn nhiều công sức nhất của ông khi phải di chuyển một quãng đường xa từ rừng núi về Hà Nội. Là người trực tiếp đi sưu tầm hiện vật nên khi còn sống, ông Hiệp kiêm luôn thuyết minh viên cho du khách đến tham quan bảo tàng. Nhưng bây giờ, vấn đề này đang là nỗi lo lắng của anh Sơn và các thành viên trong gia đình. Anh Nguyễn Trường Sơn cho hay: “Chúng tôi vẫn khá lúng túng vì không có chuyên môn về lĩnh vực bảo tàng. Rất mong trong thời gian tới, Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, đồng thời được giới chuyên môn góp ý, giúp đỡ để nơi đây thật sự trở thành điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Ghi nhận những giá trị nhân văn của Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội, bà Nguyễn Thùy Linh, Phó chủ tịch UBND phường Phú Thượng khẳng định: “Chúng tôi trân quý khi phường Phú Thượng có một bảo tàng tư nhân lưu giữ ký ức chiến tranh, trở thành nơi ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông. Khi còn sống, ông Hiệp thường tổ chức nhiều buổi gặp mặt, tri ân đồng đội, thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Giờ ông Hiệp mất rồi, nếu gia đình có nguyện vọng hỗ trợ về mặt chuyên môn, UBND phường Phú Thượng sẵn sàng tiếp nhận giải quyết và khi cần sẽ đề xuất nguyện vọng đến cấp cao hơn. Chúng tôi mong rằng, kỷ vật kháng chiến tại Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội sẽ sống mãi với thời gian”.

Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG NAM