Coi trọng tính hấp dẫn, tính đại chúng và phù hợp bối cảnh xã hội  

Tuy vậy, lý giải và trả lời điều này cần có một nỗ lực rất lớn của toàn ngành, của các thế hệ và từng cá nhân nghệ sĩ. Trực tiếp nhất, cụ thể nhất đó là tác giả-chủ thể sáng tạo. Phản ánh qua tác phẩm cụ thể được dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu và chuyển tải tới khán giả. Tác giả tác phẩm múa lâu nay ở Việt Nam được định danh là “biên đạo múa”. Hiểu nôm na đó vừa là tác giả kịch bản văn học, vừa là người dàn dựng thể hiện bằng ngôn ngữ múa. Cũng như các tác giả ở lĩnh vực nghệ thuật khác, biên đạo múa với trách nhiệm trong sáng tác của mình thực hiện hai vai trò: Công dân và nghệ sĩ. Với sản phẩm sáng tạo, biên đạo múa là người chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước công chúng những thông điệp của tác phẩm.  

Yêu cầu căn bản mà giá trị nghệ thuật của tác phẩm mang đến là tính hấp dẫn. Điều này cần được đặt ra như một mục tiêu đối với biên đạo. Lịch sử thay đổi, nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của khán giả thay đổi, đương nhiên chủ thể sáng tạo cần nắm bắt, bám sát thực tiễn, gắn liền với hiện thực đời sống để có những tác phẩm phù hợp với thẩm mỹ đương đại. Hay nói cách khác, đến được khán giả bằng tính hấp dẫn của tác phẩm.

Tôi đặt vấn đề là tìm hiểu, bởi lẽ câu chuyện được bàn thảo đó là “làm gì để có những tác phẩm múa hấp dẫn, tầm cỡ, xứng với sự nghiệp đổi mới đất nước?”. Đây là vấn đề rất mở. Những góc nhìn khác nhau chắc chắn sẽ có quan niệm khác nhau. Theo tôi cần xem xét 3 vấn đề: Tính hấp dẫn và những yếu tố tạo nên tính hấp dẫn; tính đại chúng của tác phẩm múa; phù hợp với xã hội hiện tại là sự nghiệp đổi mới đất nước.

      Cảnh trong vở ballet "Kiều" được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam dàn dựng, biểu diễn tạo dấu ấn cho nghệ thuật múa năm 2020. Ảnh: SƠN TRẦN

Tính hấp dẫn là kết quả sáng tạo của biên đạo. Tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ được phản ánh qua sự hấp dẫn của tác phẩm. Thực tế, có tác phẩm ra đời được khán giả xem nhiều lần nhưng không chán. Có tác phẩm vừa ra đời đã nhanh chóng rơi vào quên lãng. Sáng tạo nghệ thuật không bao giờ có điểm dừng, không có giới hạn. Đó là hành trình đi tìm cái đẹp, vẻ đẹp của con người trong đời sống xã hội, được hình tượng hóa nghệ thuật, cách điệu hóa nghệ thuật đưa lên sân khấu và cái đẹp đó mang đến khán giả, khích lệ, động viên con người trong thế giới tinh thần, tình cảm, góp phần xây dựng những giá trị thời đại, giá trị chân-thiện-mỹ. Vì thế, tính hấp dẫn của tác phẩm không bao giờ cố định hoặc dừng lại. Đây là yêu cầu đối với các tác giả biên đạo cần rèn luyện thường xuyên để tác phẩm múa của mình gắn liền với tiết tấu, nhịp độ, thẩm mỹ, những vấn đề mới bằng ngôn ngữ đặc thù, sự cộng hưởng các thành phần sáng tạo để có được sự hấp dẫn của tác phẩm.

Mỗi loại hình nghệ thuật có cách diễn đạt, biểu cảm riêng bằng ngôn ngữ đặc thù. Trả lời câu hỏi “Làm gì để có những tác phẩm múa hấp dẫn”, trước tiên cần tìm hiểu tác phẩm múa hấp dẫn nhất là cái gì? Tính hấp dẫn biểu hiện ra sao? Khi chưa xác định được nội hàm tính hấp dẫn thì tác giả khó có thể vạch ra cái đích cho sản phẩm sáng tạo của mình. Tính hấp dẫn không bất biến, luôn ở trạng thái chuyển động. Chuyển động để loại trừ cái không còn phù hợp và cập nhật những yếu tố mới trong thẩm mỹ, trong hưởng thụ văn nghệ nói chung và thẩm mỹ nghệ thuật xây dựng tác phẩm múa nói riêng.

Tính hấp dẫn của tác phẩm múa được coi trọng nhất, quan trọng nhất là ngôn ngữ tác phẩm, ngôn ngữ của cơ thể. Vẻ đẹp cơ thể trong các trạng thái tĩnh và động trong quá trình thể hiện nội dung, chủ đề tác phẩm, phối hợp nhuần nhuyễn, hài hòa với âm nhạc. Âm nhạc mách bảo ngôn ngữ, động tác, đội hình mảng khối... Múa thể hiện hồn sắc âm nhạc. Nhạc hay, múa hay là hai yếu tố cơ bản tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm múa. Nghệ thuật múa được gọi là nghệ thuật tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành. Biên đạo múa ngoài phần sáng tác ngôn ngữ, động tác múa, còn là người tổ chức các thành phần sáng tạo khác, tạo nên vẻ đẹp tổng hòa của tác phẩm múa. Một vấn đề không thể bỏ qua đó là vai trò của diễn viên trong thể hiện tác phẩm.

Diễn viên là người đối diện với khán giả, người thể hiện toàn bộ nội dung, diễn biến, những cảm xúc ở các cung bậc khác nhau, là sợi dây nối liền với khán giả. Khá nhiều tác phẩm múa trong thực tế đã "thất bại" cho dù tư duy ngôn ngữ múa của biên đạo có nhiều tìm tòi sáng tạo nhưng diễn viên thể hiện kém. Điều đó đồng nghĩa với chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Vì thế, biên đạo múa phải hết sức chú ý khi lựa chọn một ê kíp diễn viên thể hiện ngôn ngữ múa. Trong nghề múa có câu nói “diễn viên là người sáng tạo thứ hai”. Như vậy, vai trò của diễn viên cực kỳ quan trọng đối với biên đạo múa trong quá trình xây dựng và biểu diễn trước khán giả. Người biên đạo có tài còn biết lựa chọn tính cách kỹ xảo của diễn viên, khơi dậy những năng lực tiềm ẩn của họ để phục vụ cho tác phẩm. Ngoài ra, đó là sự kết hợp các yếu tố nghệ thuật khác trong sự hài hòa, tương thích về phong cách nghệ thuật, ngôn ngữ biểu cảm, tạo nên vẻ đẹp tổng thể với vai trò vừa là người sáng tác, vừa là người đạo diễn... Đó là cách đến gần với sự hấp dẫn của tác phẩm múa.

Phấn đấu có tác phẩm hấp dẫn và có tầm cỡ là đích lớn trong sự nghiệp sáng tác của mỗi biên đạo múa. Tầm cỡ ở đây được hiểu đó là tác phẩm mang được những giá trị có tính đại chúng, được đại chúng công nhận trong quá trình thưởng thức nghệ thuật. Chúng ta đều biết "Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943" của Đảng nhấn mạnh 3 đặc trưng cơ bản là “Dân tộc, khoa học và đại chúng”. Đó là nền tảng, là tinh thần cơ bản đối với đường lối phát triển văn hóa xuyên suốt từ trước đến nay. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nêu rõ “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Như vậy cho thấy yếu tố tiên tiến và bản sắc dân tộc là yêu cầu cơ bản, quan trọng đối với tác phẩm múa. Đây là tiêu chí cho tác phẩm múa.

Đã có một số hội thảo của ngành múa bàn về tính tiên tiến và tính dân tộc trong tác phẩm. Tính tiên tiến xuất hiện trong quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới. Thực tế đã có một số thành tựu về lĩnh vực này. Giao lưu và biến đổi, giao lưu để Việt hóa những thành tựu của văn hóa múa thế giới, làm giàu cho nghệ thuật múa dân tộc. Tác phẩm múa tốt để lại những dấu ấn tích cực trong quá trình giao lưu, tiếp nhận và phát triển. Tiếp nhận, biến đổi, Việt hóa để trở thành cái của mình là cách thể hiện năng lực sáng tạo của biên đạo múa. Khi nói đến bản sắc dân tộc trong tác phẩm cũng là nói đến chất lượng nghệ thuật. Trong nghệ thuật múa dân tộc (quá khứ, hiện tại và tương lai) đều coi múa dân gian là cội nguồn của múa hiện đại. Chúng ta đang bàn đến tác phẩm múa hiện đại. Đây là một điều kiện cần thiết, quan trọng để làm nên tác phẩm có tính tầm cỡ.

Nghệ thuật múa là một thành tố của văn hóa. Tính đại chúng từ góc độ tác phẩm cụ thể còn được hiểu là sự phấn đấu hướng tới cái hấp dẫn, với tiêu chí được nhiều người công nhận, nhiều thế hệ công nhận.

Tác phẩm múa cần bám sát hiện thực đời sống để phát triển lên tầm cao mới

Ba yếu tố: Tác phẩm múa hấp dẫn, tầm cỡ và xứng đáng với sự nghiệp đổi mới cần được hiểu đó là phải góp phần xây dựng được các giá trị phục vụ xã hội, phục vụ con người, tức là cái con người cần, xã hội cần. Điều đó khán giả phải nhận biết được từ chính bản thân tác phẩm mang lại. Giá trị qua giao lưu với nghệ thuật múa là thế giới có thể hiểu được đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam. Lịch sử nghệ thuật múa cách mạng đã có những tác phẩm như: Múa nón, múa sạp, múa ô, múa Chăm... được thế giới ghi nhận. Trong các tác phẩm đều thể hiện được những nội dung mà chúng tôi đã phân tích ở trên. Thời kỳ đổi mới đồng nghĩa với đổi mới một cách toàn diện. Ví dụ, những năm đầu đổi mới, ngành du lịch từng bước phát triển mạnh. Nghệ thuật múa đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam bằng nhiều tác phẩm múa. Người ta thấy được hiệu quả tác phẩm đã bám sát với hiện thực đổi mới để xây dựng, phản ánh; xây dựng con người trong phát triển lành mạnh, tích cực. Những thông điệp mang đậm tính nhân văn tác động trực tiếp đến lợi ích của con người, lợi ích của xã hội đương đại.

Sự nghiệp đổi mới đồng nghĩa đòi hỏi những yêu cầu mới. Mỗi lĩnh vực đều cố gắng xây dựng những nội dung đổi mới để đáp ứng cho sự phát triển. Vậy nghệ thuật xây dựng tác phẩm múa cũng phải được đặt ra câu hỏi: Đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào để có những tác phẩm phù hợp với thời đại. Nghề múa thường "đau đáu” trên con đường đổi mới nội dung và hình thức. Nội dung để đáp ứng tinh thần của thời đại. Hình thức để làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Vấn đề này, với tư cách là biên đạo múa cần quan tâm đến các yếu tố: Tác giả-tác phẩm-khán giả. Đây là mối quan hệ gắn thiết để đến gần với khán giả, đến gần với thời đại.

Nói tóm lại, muốn có tác phẩm múa tầm cỡ đòi hỏi những nỗ lực không biết mệt mỏi của những người trong nghề và sự quan tâm đầu tư hỗ trợ, định hướng của các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật và sự chung sức, đồng hành của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Sự gắn kết nghệ sĩ-cơ quan quản lý-hội nghề nghiệp là thế chân kiềng vững chãi tạo cơ hội cho nghệ thuật múa vươn tới những đỉnh cao mới, đáp ứng sự trông mong, kỳ vọng của công chúng và xã hội.  

Nghệ sĩ Nhân dân ỨNG DUY THỊNH, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam