Qua 130 tiết mục với các thể loại hát, múa, độc tấu, song tấu, hòa tấu cùng những loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, hơn 600 nghệ nhân, diễn viên đã mang đến hội diễn trọn vẹn những khát vọng, đam mê cống hiến bảo tồn và phát huy dân ca trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Nét duyên làng quê trên sân khấu

Hội diễn theo kế hoạch được tổ chức lần lượt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội diễn chỉ tổ chức theo hình thức ghi hình nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch, đồng thời đáp ứng chất lượng nghệ thuật, thích ứng với bối cảnh mới hiện nay.

Ban tổ chức trao thưởng tặng các đoàn có tiết mục xuất sắc.

Theo đánh giá của Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Lương Nguyên, thành viên ban giám khảo, vượt qua những khó khăn, sự tham gia hào hứng của 23 đoàn đến từ 23 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy sức sống và sự lôi cuốn của âm nhạc dân ca trong đời sống hiện nay. Với nỗ lực và niềm đam mê, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên đã đến sân chơi này bằng tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết, năng động.

Các tiết mục, chương trình được đầu tư, dàn dựng công phu; phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật quay, dựng hình kết hợp nhuần nhuyễn, tạo nhiều yếu tố bất ngờ. Mỗi chương trình mang những sắc thái khác nhau, nhưng đều thể hiện được nét tinh túy đặc trưng của các địa phương, chứa đựng lòng tri ân với người nông dân cần cù chịu khó, một nắng hai sương, bám sát ruộng đồng, ngày đêm làm ra hạt lúa, củ khoai, đưa đến người xem nhiều cung bậc cảm xúc, giá trị thẩm mỹ.

Đặc biệt, có nhiều góc nhìn cận cảnh lối sống, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc ở mỗi vùng miền. Điều đó đã tạo nên không gian nghệ thuật hát, múa phong phú, nồng ấm của người nông dân Việt Nam thủy chung son sắt, đằm thắm tình người.

Việc trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ mà chứa đựng sâu thẳm trong đó tiếng nói trái tim, tình yêu quê hương trong thời đại mới, cho dù cuộc sống thực tại thay đổi từng ngày, từng giờ. Vì thế, thưởng thức các tiết mục trong chương trình, người xem bắt gặp diện mạo trù phú của làng quê qua phần dự thi của các đơn vị: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Tuyên Quang... với những đặc điểm dễ nhận biết qua các từ đệm trong câu hát: Rằng, thì, chứ... kết hợp nhuần nhuyễn với bộ nhạc lễ và nhạc sân khấu đậm đà đặc trưng của vùng di sản quan họ, hát xoan, ca trù, hát then... Miền Trung tỏa sáng trong giai điệu, lời hát khí phách hào hùng của những chàng trai, cô gái mang tâm hồn và ước vọng vượt sông ra biển lớn.

Sự phong phú, đa dạng của kho tàng nghệ thuật dân ca Việt Nam còn thể hiện ở âm thanh của t’rưng, đinh năm... rộn ràng, đồng vọng tiếng ru đại ngàn, trong các nghi thức thờ thần lúa linh thiêng, qua phần trình diễn tình cảm, lôi cuốn của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên. Các tiết mục đến từ khu vực Nam Bộ lại mang theo sự phóng khoáng, đậm màu sông nước Cửu Long cùng nét chấm phá cảnh sắc đất rừng phương Nam...

Bảo tồn và nuôi dưỡng sức sống dân ca

Ông Nguyễn Công Trung, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng ban giám khảo hội diễn, nhận định: “Thông qua hội diễn, các nghệ nhân, diễn viên, đặc biệt là các địa phương đã thể hiện sự nhiệt huyết, quan tâm đối với công cuộc bảo tồn, giữ gìn những giá trị cốt lõi loại hình nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, các đoàn cũng dày công dàn dựng, sáng tạo nhằm giới thiệu đến công chúng những tiết mục mang hơi thở mới để lan tỏa sức sống dân ca đến nhiều đối tượng khán giả, nhất là khán giả trẻ. Các tiết mục chứa đựng thông điệp nhân văn, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc; phản ánh sự đổi thay, những thành tựu nông thôn mới, thành tựu của đất nước trên bước đường xây dựng và phát triển”.

Cũng theo NSƯT Lương Nguyên, nhiều tiết mục rất đặc biệt, thể hiện sự quan tâm bảo tồn truyền thống của địa phương và khi mang đi hội diễn đã dày công dàn dựng, triển khai thành sản phẩm, chương trình nghệ thuật. Đây chính là hướng phát huy tốt để biến những sản phẩm, chương trình đàn, hát dân ca trở thành một trong những “đặc sản” thu hút, phục vụ khách du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

“Những chương trình này có thể phát ở các đài phát thanh-truyền hình địa phương, hoặc có thể chọn lọc để phát ở những kênh truyền hình quốc gia, qua đó lan tỏa sức sống cũng như nuôi dưỡng những làn điệu dân ca thấm đẫm chất văn hóa dân gian trong đời sống của người dân Việt Nam”, NSƯT Lương Nguyên cho hay.

Thành công của Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền năm 2021 ngoài các tiết mục, chương trình hấp dẫn, ấn tượng với số lượng nghệ nhân, diễn viên tham gia đông còn là sự thích ứng với hoàn cảnh mới. Sân khấu nghệ thuật được mở rộng không gian qua các bản ghi âm, ghi hình. Và chắc chắn, sức lan tỏa vẻ đẹp của truyền thống dân tộc sẽ còn rộng hơn khi những chương trình này được các đoàn đưa vào kế hoạch quảng bá, phát trên nền tảng số.

 Ban tổ chức đã trao 9 huy chương vàng, 14 huy chương bạc cho chương trình; 23 huy chương vàng và 46 huy chương bạc cho các tiết mục.

 

Bài và ảnh: VIỆT LAM - KHÁNH AN