8 năm qua (từ năm 2015 đến nay), chương trình Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc đã có hàng nghìn người yêu chèo được hát trên sân khấu, được thỏa mãn đam mê. Để thấy rằng, người yêu chèo ngày một đông đảo, tìm đến học một cách bài bản hơn, vững vàng hơn, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc.

Chèo ngấm vào đời sống tinh thần của người dân

Làng Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) là một làng quê thuần nông. Từ bao đời nay, bờ bãi sông Hồng phù sa bồi đắp, hạt lúa, củ khoai nuôi sống và di dưỡng tâm hồn người dân nơi đây. Có một điều người dân Xa Mạc luôn tự hào, đây là quê hương của làn điệu Xa Mạc-một thể loại ngâm rất đặc trưng: Sâu lắng, da diết, ngân, vang.

Từ lâu, điệu ngâm này phổ biến đến mức nó có ở hầu hết loại hình dân ca và nghệ thuật ca hát truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ như: Ca trù, hát văn, hát xẩm, trống quân... và đặc biệt là chèo. Nhiều thập kỷ qua, vì nhiều lý do khác nhau, điệu ngâm Xa Mạc tưởng chừng bị quên lãng, nhưng may thay, khi chị Thu Hường-một người con của làng nghỉ hưu-đã tập hợp các thành viên yêu văn nghệ của làng để thành lập câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống làng Xa Mạc thì điệu hát đã được phục hồi.

Bên cạnh việc phục hồi điệu hát Xa Mạc, chị Thu Hường và các thành viên CLB còn tích cực tập luyện hát dân ca và chèo. Cho đến nay, CLB đã tự tin hát được nhiều làn điệu chèo hay. Đây cũng là CLB có số lượng thành viên tham gia Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ VIII (diễn ra tại Hải Phòng những ngày cuối tháng 4 vừa qua) đông đảo nhất: 60 người.  

leftcenterrightdel
    Tiết mục biểu diễn tại Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ VIII, năm 2023.Ảnh: NHẬT KHANG

Cô Kim Yến ở quận Long Biên (Hà Nội) nhiều năm đam mê hát dân ca và đặc biệt là chèo, đã bền bỉ tham gia chương trình giao lưu, nâng cao trình độ biểu diễn theo từng năm, từ hát chèo ở những lần trước thì năm nay, cô hóa thân vào vai Xúy Vân trong trích đoạn “Xúy Vân giả dại” của vở chèo “Kim Nham”-vai diễn đặc sắc nhất của nghệ thuật chèo từ trước tới nay.

Có thể thấy, chèo là loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc có sức sống lâu bền độc đáo và phổ biến hiện nay. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân, phản ánh đầy đủ mọi góc độ bản sắc dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị. Chèo luôn phản ánh chất trữ tình, thể hiện những cảm xúc, tình cảm con người, tình yêu, tình bạn và tình thương trong cuộc sống.

Cách đây hơn 10 năm, khi chưa có mạng xã hội thì không thể đo đếm được số lượng người yêu chèo vì chủ yếu người dân nghe chèo qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và băng đĩa. Còn hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, có thể thấy rất nhiều người dân, nhất là người dân miền Bắc, yêu chèo. Trên Facebook có đến hơn 20 trang, nhóm, hội giao lưu chèo, đặc biệt có trang có sự tham gia của 36 nghìn người.

Những trang, nhóm, hội trên Facebook đã kết nối những người yêu chèo ở trong và ngoài nước, tạo nên cộng đồng người yêu chèo rất đông đảo. Chính vì sự lan tỏa này mà chúng tôi đã quyết tâm, nỗ lực duy trì bằng được chương trình Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc hằng năm. Chúng tôi cũng vui mừng, hạnh phúc khi giao lưu vừa kết thúc đã có những khán, thính giả gọi điện hỏi sang năm giao lưu tổ chức ở đâu và nên tập bài gì, điệu gì...

Lan tỏa sức sống của chèo

Lần lượt từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng... qua chương trình giao lưu tổ chức từ năm 2015 đến nay, mỗi năm nhìn vào danh sách người yêu chèo từ mọi miền đất nước đăng ký tham gia vô cùng nhiệt tình, sôi nổi.

Yêu, say mê chèo từ những lời ru của mẹ ngày thơ bé, anh Trần Hữu Tân (53 tuổi, ở Thái Nguyên) gây ấn tượng với hình ảnh cõng mẹ 87 tuổi là bà Trần Thị Phúc đến với chương trình giao lưu. Bản thân anh Tân đã tham gia viết khoảng 30 bài chèo ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước và tình cảm mẹ cha, đặc biệt năm ngoái, anh đã viết tặng mẹ bài “Biển trời tình mẹ” theo điệu chinh phụ. Cũng ấm áp tình mẹ gây xúc động với nhiều người có tiết mục của 4 chị em gái ruột, trong đó chị cả là bà Tạ Thị Quế (70 tuổi, ở Bắc Ninh) hát bài “Mùa xuân tình mẹ” của tôi viết để dâng lên người mẹ 91 tuổi. Bản thân bà Quế là nghệ nhân quan họ nhưng cũng rất yêu chèo và hát được vài chục bài chèo. Trong gia đình bà, ai cũng yêu chèo và có thể nói, chèo đã kết nối họ lại gần nhau hơn.

Trò chuyện với nhiều người tham gia chương trình, tôi thấy tình yêu chèo trong họ rất lớn. Không yêu, không đam mê thì sao có những đoàn bỏ hàng chục triệu đồng để tập tiết mục, bồi dưỡng cho thầy dạy và chưa kể, còn bỏ công, bỏ việc để tham gia tập rồi đến với giao lưu? Và để tập hợp được số lượng lớn người yêu chèo đến từ các vùng, miền của Tổ quốc đòi hỏi những người làm công tác tổ chức phải thực sự đam mê, phải có tâm sáng, đặc biệt làm đúng trách nhiệm là chưa đủ, mà phải quăng mình vào, phải hy sinh rất lớn. Ngoài ra, cộng đồng người yêu chèo đến với giao lưu cũng cần phải có sự đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung, tất cả vì sự nghiệp gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo.

Giao lưu đã trở thành nền nếp, là khát vọng, mong mỏi của người yêu chèo. Mong được hát, được giao lưu gặp gỡ, mặc dù hằng ngày, hằng giờ họ vẫn lên Facebook, Zalo, Messenger để cùng nhau tương tác, chia sẻ niềm vui, nỗi nhớ. Vì lẽ đó, Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ VIII, năm 2023 đã có tới hơn 130 tiết mục. Điểm nhấn trong giao lưu lần này là số lượng tiết mục giao lưu cũng như chất lượng chung của chương trình đều tốt hơn so với các cuộc giao lưu trước, nhiều tiết mục dàn dựng công phu, đầu tư trang phục, đầu tư luyện tập.

Chúng tôi rất xúc động khi trò chuyện với các diễn viên như: Hồng Thanh (81 tuổi, ở Thanh Hóa) dành cả món tiền mà các con cháu biếu trong dịp Tết Nguyên đán để nhờ cháu nội thuê xe tới Hải Phòng tham gia giao lưu; ông Phạm Hồng Điều (73 tuổi, ở Lâm Đồng) đến trước ngày diễn tới 3 ngày, tâm sự: “Các con tôi không cho đi, sợ làm sao thì khổ. Nhưng tôi vẫn quyết tâm ra Hải Phòng. Đam mê quá, ở nhà không được hát giao lưu với mọi người, nóng ruột lắm”; diễn viên Mỹ Lệ sống và làm việc tại Đức cũng bay về Việt Nam trước hàng tháng trời để học hát chèo và tiết mục của chị tham gia giao lưu đã thành công.

Đặc biệt nữa là hai diễn viên nhí Nam Anh (13 tuổi) và Thanh Trúc (11 tuổi) tham gia trích đoạn cùng bà trong vở “Phạm Công-Cúc Hoa” đã lấy nhiều nước mắt và xúc động của khán giả. Soạn giả Vũ Văn Nam (ở Thanh Miện, Hải Dương) đang đi công việc tại thành phố Vinh (Nghệ An) không thể ngồi được ô tô vì say xe, đã phóng xe máy hơn 300km về kịp tham dự giao lưu chèo...

Là cuộc chơi tự túc, tự cấp nên công tác tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là phần tài chính, bởi phần nhiều người yêu chèo đến giao lưu bằng niềm đam mê, họ đơn thuần chỉ là những người nông dân, công nhân, người cao tuổi nghỉ hưu... Để chương trình diễn ra được lâu dài, chúng tôi cũng đang nuôi hy vọng vào những mùa sau sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay góp sức để nghệ thuật chèo duy trì được sân chơi, tập hợp, kết nối những người yêu chèo trên toàn quốc, lan tỏa sức sống của chèo trong nhân gian, giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Xin mượn những câu thơ để kết thúc cho bài viết này: Dẫu đời bãi bể nương dâu/ Duyên chèo kết nối nên câu nghĩa tình/ Giêng, hai táo rụng sân đình/ Hội chèo lại mở ta-mình lại vui.

Soạn giả, nhà báo MAI VĂN LẠNG