Việc tổ chức Giải thưởng báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài LLVT và CTCM nhằm góp phần động viên, khích lệ các cơ quan báo chí trong cả nước tích cực tuyên truyền, lan tỏa tinh thần cống hiến của Bộ đội Cụ Hồ trên mọi lĩnh vực công tác, qua đó khẳng định vị trí, sứ mệnh cao cả của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Sức lan tỏa của giải phủ khắp các cơ quan báo chí
Phát động từ năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1994) và 5 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-1994), Giải thưởng báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài LLVT và CTCM đến nay đã đi được chặng đường hơn 30 năm.
Có thể nói rằng, sau Giải báo chí toàn quốc (nay là Giải báo chí quốc gia) khởi động từ năm 1991, Bộ Quốc phòng là nơi tiên phong phát động giải báo chí chuyên ngành đầu tiên trong cả nước. Tổ chức 5 năm một lần, Giải báo chí Bộ Quốc phòng về đề tài LLVT và CTCM không chỉ quy tụ những cây bút trong nước viết về đề tài người lính, lịch sử kháng chiến cách mạng mà còn góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, tích cực về Bộ đội Cụ Hồ trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực công tác.
 |
Phiên họp của Hội đồng xét thưởng Giải báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025 của Bộ Quốc phòng. Ảnh: THÀNH AN
|
Tiếp nối thành công của 5 lần tổ chức giải thưởng trước đây, Giải thưởng báo chí Bộ Quốc phòng về đề tài LLVT và CTCM giai đoạn 2020-2025 tiếp tục có sức hút đối với các cơ quan báo chí trong cả nước. Sau khoảng 3 tháng phát động, đến trung tuần tháng 2-2025, Hội đồng xét thưởng đã nhận được hơn 200 tác phẩm của 56 cơ quan báo chí.
Ngoài các cơ quan báo chí hàng đầu của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng (Báo QĐND, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội) và các báo của các quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, còn có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, như: Nhân Dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đầu tư, Kinh tế và Đô thị, Tài nguyên và Môi trường, Thời báo Văn học nghệ thuật... Nhiều cơ quan báo chí điện tử cũng hưởng ứng như Vietnamnet, VnExpress, VTC News...
Sức lan tỏa của Giải thưởng báo chí Bộ Quốc phòng còn phủ đến các cơ quan báo chí, đài phát thanh-truyền hình các tỉnh từ Bắc vào Nam, như: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, Vĩnh Long...
Góp phần tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ
Bám sát thể lệ, nội dung đề tài, hầu hết các tác phẩm tham dự Giải thưởng báo chí Bộ Quốc phòng giai đoạn 2020-2025 đã đề cập đa dạng, phản ánh toàn diện các mặt công tác, nhiệm vụ của Quân đội, như: Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, công tác dân vận, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, kết hợp kinh tế với quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, hậu cần-kỹ thuật, chính sách hậu phương Quân đội...
Một trong những nội dung được các cơ quan báo chí trong cả nước khai thác sâu, tìm hiểu kỹ và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí sinh động, có sức nặng thông tin và hiệu quả truyền thông là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới của Tổ quốc. Với tình cảm sâu nặng, trách nhiệm cao cả, nhiều nhà báo đã xông pha, dấn thân đến những nơi khó khăn, gian khổ để tìm hiểu đời sống, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, nhờ đó có những tác phẩm neo vào lòng người đọc.
Tiêu biểu có các tác phẩm: “Lập làng, xây thế vững lòng dân” nhìn từ đề án xây dựng điểm dân cư biên giới Tây Nam” của Đặng Trung Kiên (Báo QĐND); “Những vì sao biên giới” của Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội); “Những chiến binh trong lòng Biển Đông” của nhóm tác giả Nguyễn Minh-Quang Thắng (Báo Tiền phong); “Công binh hải quân-những người tôn nền Tổ quốc thêm cao” của Đông Hà (Báo Tuổi trẻ); “Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng” của Đặng Thị Phương Hoa (Báo Hà Giang); “Xuân trên nhà giàn DK1” của A Lăng Ngước (Báo Quảng Nam), “Giữ vững bình yên trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc” của nhóm tác giả Anh Tuấn-Văn Đoàn-Chi An-Phương Anh (Báo Công lý)...
Cùng với bám sát và phản ánh hơi thở thực tiễn cuộc sống của bộ đội thời nay, mảng nội dung về lịch sử CTCM cũng được nhiều nhà báo tiếp tục khai thác với tư liệu mới, góc nhìn mới, qua đó lan tỏa thông điệp sâu sắc về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc. Có thể kể đến những tác phẩm như: “Thắp sáng truyền thống nơi “cội nguồn sức mạnh” Quân đội anh hùng” của nhóm tác giả Bích Ngọc-Quỳnh Anh-Thị Loan-Thế Vĩnh (Báo Cao Bằng); “Bay trong trời tự do” của Thái Bình (Báo Công an nhân dân); “Ước vọng Vị Xuyên” của nhóm tác giả Kim Thược-Phạm Thịnh-Nguyễn Vui-Đức Hiếu-Huy Mạnh (Báo điện tử VTC News); “Người anh hùng trầm tích ở Nha Trang” của Lã Quý Hưng (Báo Đầu tư)...
Theo đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng xét thưởng Giải báo chí Bộ Quốc phòng, thông qua thẩm định cho thấy, nhiều tác phẩm dự giải đã được các nhà báo đầu tư kỹ lưỡng cả về tâm huyết, trí tuệ, nội dung có chiều sâu, phong cách thể hiện hấp dẫn, sinh động. Điều đó chứng tỏ Giải thưởng báo chí Bộ Quốc phòng 5 năm tổ chức một lần được đông đảo giới báo chí cả nước quan tâm và đã khẳng định uy tín của giải thưởng trong hơn 30 năm qua. Ý nghĩa sâu sắc hơn, việc tổ chức giải thưởng này còn góp phần động viên, khích lệ các cơ quan báo chí trong cả nước tích cực tuyên truyền, lan tỏa tinh thần cống hiến của Bộ đội Cụ Hồ trên mọi lĩnh vực công tác, qua đó khẳng định vị trí, sứ mệnh cao cả của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
VĂN HÓA
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.