QĐND Online- Sáng 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Xuất bản, In, Phát hành. Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Xuất bản, in, phát hành, pháp luật hiện nay chưa theo kịp thực tiễn phát triển trong lĩnh vực in. Điều này tạo kẽ hở pháp lý, dẫn tới tình trạng in giả, in lậu, in nối bản xuất bản phẩm tràn lan trong thời gian qua…

Luật chưa theo kịp thực tiễn

Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Xuất bản, In và Phát hành do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày nêu rõ thực trạng pháp luật chưa theo kịp sự phát triển trong lĩnh vực in.

Cụ thể, năm 2004, cả nước chỉ có trên 160 cơ sở in công nghiệp. Sau khi quá trình xã hội hóa hoạt động in ấn, đến nay đã có 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn, nhỏ.

Tuy nhiên, việc quản lý đối với các cơ sở in lại không cùng một khung pháp lý thống nhất. Trong số 1.500 cơ sở in thì chỉ có khoảng 400 cơ sở chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản và Nghị định 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ. 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in.

1.100 cơ sở in này là những cơ sở không tham gia in khi tham gia in xuất bản phẩm, báo chí, tem chống giả. Bởi vậy, họ chỉ cần đăng ký kinh doanh ngành nghề in theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp là được hoạt động.

Tuy nhiên, đó chính là kẽ hở, dẫn tới việc quản lý 1.100 cơ sở in gần như bị buông lỏng. Bởi vậy, tình trạng in lậu, in nối bản có điều kiện bùng phát.

Do thiếu các chế định và công cụ pháp lý cần thiết, nên công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra các cơ sở in này.

Đối với những cuốn sách nội dung “có vấn đề”, bị cấm phát hành, thu hồi, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở phát hành đã tổ chức câu kết với các cơ sở in để in và phát hành trái phép.

Việc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với những xuất bản phẩm sai phạm không những không phát huy tác dụng, mà còn bị các cơ sở phát hành lợi dụng để thu lợi bất hợp pháp.

Sách bán tràn lan trên vỉa hè. Ảnh minh họa: internet

Một số cơ sở phát hành chạy theo lợi nhuận và đối tượng bất chính cũng lợi dụng kẽ hở trên để phát tán một số cuốn sách, tài liệu có nội dung kích động bạo lực, truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, thể hiện sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, cần thiết phải siết chặt việc quản lý các cơ sở in. Theo đề xuất tại điều 6, dự thảo luật, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này bao gồm cả việc cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép, giấy xác nhận trong hoạt động xuất bản, in, phát hành và thu phí, lệ phí theo quy định.

Không thể siết chặt với mọi cơ sở in

Tranh luận trực tiếp tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, không thể siết chặt quản lý với mọi cơ sở in.

Theo ông Đào Trọng Thi, không phải mọi hoạt động in đều cho ra sản phẩm là xuất bản phẩm. Ngoài xuất bản phẩm, các cơ sở in còn in cả tiền, bao bì, biên lai, bằng cấp… Nếu siết chặt quản lý thì vừa gây khó khăn cho hoạt động sản kinh doanh, vừa vượt ra ngoài tầm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Bộ Thông tin và Truyền thông làm sao quản lý việc in tiền được”, ông Đào Trọng Thi nói.

Ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng, nếu quy định như đề xuất trong dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) thì sẽ trở thành cơ chế xin – cho, mọi hoạt động in, cơ sở in đều phải được cấp phép.

Từ đó, ông Đào Trọng Thi đề xuất: Chỉ áp dụng cơ chế cấp phép đối với lĩnh vực in xuất bản phẩm. Còn các hoạt động in thông thường khác thì chỉ cần đăng ký. Tuy nhiên, sau khi đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước vẫn có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông Đào Trọng Thi khẳng định sự ủng hộ đối với quy định quản lý toàn bộ cơ sở in, nhưng nhấn mạnh rằng chỉ nhằm đến quản lý sản phẩm in là xuất bản phẩm, tránh in giả, in lậu, in nối bản xuất bản phẩm.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói, dự thảo Luật nêu quản lý các cơ sở in, nhưng chỉ quản lý in xuất bản phẩm và các cơ sở in khi in xuất bản phẩm.

Kết luận chương trình làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo lại Chính phủ.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị giữ nguyên tên cũ, Luật Xuất bản, thay vì đổi tên thành Luật Xuất bản, In, Phát hành.

Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, không nên đưa vào điều chỉnh bởi Luật này những lĩnh vực in đặc thù đã được pháp luật quy định thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành khác.

Theo chương trình dự kiến, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Minh Thắng