Mùa xuân đã về vùng quê Ấm Hạ (Hạ Hoà - Phú Thọ) với bao tín hiệu tươi vui và ấm áp. Khung cảnh trung du nơi đây có rừng cọ, đồi chè và những cánh đồng xanh sắc mạ non gợi lên vẻ đẹp bình dị, thơ mộng và hữu tình. Dọc con đường dẫn vào đền Chu Hưng cổ kính - một di tích lịch sử thuộc Chiến khu 10, không khí đón xuân của người dân nơi đây tưng bừng, rộn rã, hoa đào khoe sắc hoà vào nét mới khởi sắc của những ngôi nhà cao tầng, trường học khang trang và những xưởng chế biến gỗ ván ép. Đường xá phong quang, rộng mở, sức sống, sắc xuân đang trào dâng nơi xưa kia vốn là vùng quê nghèo khó.

Mỗi khi Tết đến xuân về, người dân Ấm Hạ và du khách thập phương lại trở về Chu Hưng. Ngôi đền Chu Hưng cổ kính trầm mặc tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng với địa thể “long chầu, hổ phục”, sơn thủy hữu tình. Ngôi đền cũng là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trong mạch nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ Phú Thọ.

leftcenterrightdel
Nhà bia lịch sử ghi dấu về Đội vũ trang đầu tiên của Quân đội nhân dân Lào. 

Bên cạnh đền Chu Hưng là Nhà bia lịch sử - địa điểm huấn luyện đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trên đỉnh cùng của tấm bia là hai quốc kỳ của hai nước đặt đan xen thể hiện tình hữu nghị Việt -Lào bền chặt. Ở giữa bia là dòng chữ vàng nổi bật: “Di tích lịch sử Quốc gia, đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ, Hạ Hòa, Phú Thọ”. Giữa tấm bia được chia làm hai nửa ghi sự kiện lịch sử, nửa bên trái ghi bằng chữ Việt, nửa bên phải ghi bằng chữ Lào. Dòng chữ ngắn gọn, khái quát được sự kiện lịch sử: “Ngày 16-4-1949, Đội vũ trang đầu tiên của Quân đội nhân dân Lào có tên gọi “Đội Lát- xạ- vông” đã đến địa điểm này để huấn luyện, học tập quân sự-chính trị và quán triệt các tình hình của cách mạng Lào”.

leftcenterrightdel
Đền Chu Hưng - nơi diễn ra các sự kiện lịch sử của Chiến khu 10. 

Lễ hội đền Chu Hưng được chính quyền và nhân dân xã Ấm Hạ tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ cổ truyền độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thu hút, gắn kết cộng đồng làng xã. Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, nhân dân và du khách thập phương hành hương về đền Chu Hưng để chiêm bái, cầu mong một năm mới bình an, khỏe mạnh và may mắn. Mỗi người dân được hòa mình vào không khí lễ hội, trải nghiệm những giá trị lịch sử của Chiến khu xưa oanh liệt, hào hùng để nhân lên niềm tự hào về truyền thống của quê hương và đất nước.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.