Là cựu sinh viên Đại học Leicester (Anh), Diệu Linh đến Italy cách đây 3 năm để học thiết kế thời trang. Chương trình Linh tham gia có tên gọi TailorMade, show truyền hình thời trang dành cho những người yêu thích công việc may vá. Chương trình được tài trợ bởi Discovery Plus Italy và nhà sản xuất Blu Yazmine kéo dài 6 tập, mỗi tập 60 phút, với 3 thử thách: Vòng 1 là kỹ thuật may, may đúng mẫu chương trình cho sẵn trong vòng 2 giờ 30 phút; vòng 2, thí sinh phải sử dụng những chất liệu bỏ đi và sáng tạo, tái chế một đồ dùng hoặc bộ quần áo trong vòng 90 phút; vòng 3 là may đo thực tế trên người mẫu. Sau mỗi tập sẽ có một hoặc nhiều thí sinh phải ra về.
 |
Diệu Linh trong poster giới thiệu Chương trình TailorMade. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Để được chính thức tham gia chương trình, Diệu Linh phải trải qua 3 vòng casting: Phỏng vấn online, phỏng vấn trực tiếp và thử thách may đồ. Việc tham gia vào chương trình là một cơ hội tốt giúp Diệu Linh thử thách bản thân, đặc biệt là có cơ hội quảng bá văn hóa Việt.
Theo quy định, thí sinh tham gia chương trình không được nói nhiều và quảng bá điều gì khác ngoài bản thân. Chỉ với 1 phút, Diệu Linh đã tự tin giới thiệu mình đến từ Việt Nam và đặt ở bàn may cây sáo trúc, quả cầu lông, nón lá, những tấm ảnh gia đình, bạn bè và một số mẫu vải được Diệu Linh sáng tạo ra. Nhờ đó, cựu sinh viên Đại học Leicester Diệu Linh đã quảng bá được văn hóa, hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách rất tự nhiên.
Hiện nay, chương trình đã quay xong và chỉ chờ phát sóng. Theo quy định của chương trình, Diệu Linh không được phép tiết lộ kết quả nhưng bật mí mình cũng đã đi được “khá xa”, có nghĩa là chương trình sẽ ít nhiều để lại dấu ấn về văn hóa Việt.
Diệu Linh chia sẻ: “Các bạn thi cùng Linh đều rất thích, muốn giao lưu với con người Việt Nam. Đến nay, Linh đã nhận được lời mời tới nhà chơi của 9 bạn thí sinh đến từ các thành phố khác nhau, trải dài từ phía Bắc xuống phía Nam Italy. Trong suốt thời gian quay chương trình, Diệu Linh phải ăn đồ Italy, chủ yếu là đồ truyền thống như pizza, phô mai, mì Italy, thịt nguội, tới mức Linh rất thèm một bát bún hay bát mì Việt Nam”.
Học hỏi kinh nghiệm trong nghề, làm quen, kết bạn, có cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai và giới thiệu bản sắc dân tộc ra thế giới là những gì Diệu Linh nghĩ đã làm được sau Chương trình TailorMade. Diệu Linh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi ngành thời trang. Diệu Linh đã dự nhiều buổi triển lãm về ngành nghề dệt vải nhưng cảm thấy tiếc khi chưa được gặp đơn vị hay công ty nào của Việt Nam sản xuất vải ở trong các buổi hội chợ triển lãm như vậy. Diệu Linh hy vọng trong tương lai có thể kết nối, hoặc làm cầu nối giúp các công ty sản xuất vải trong nước giới thiệu sản phẩm ở những hội chợ thương mại tại châu Âu, để có thêm một kênh quảng bá văn hóa Việt với bạn bè thế giới.
LAN CHI