Trong dịp triển khai làm phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi có cơ duyên được biết ông: Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, người thổi kèn địch vận-một trong những nhân chứng “của hiếm” của bộ phim tài liệu mà chúng tôi khai thác khi làm phim Chiến dịch lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê quan họ Bắc Ninh, chàng trai Đỗ Văn Phúc mang trong mình dòng máu của những liền anh, liền chị. Tháng 4-1954, bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao trọng trách là Đại đội trưởng Đại đội 56, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chỉ huy đại đội bộ binh pháo gồm 9 khẩu cối 81mm và 3 khẩu pháo không giật DKZ 57mm đi theo sát bộ binh, chiến đấu kiên cường suốt 31 ngày đêm trên đồi C1 và C2.

 Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc thổi kèn Harmonica cho phóng viên nghe.

Vị tướng già ngoài 90 tuổi ngồi trầm ngâm kể lại cho chúng tôi nghe về những tháng ngày ông cùng với đồng đội "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non" và cái duyên của ông đến với âm nhạc cũng bắt đầu từ chính nơi chiến trường Điện Biên. Ngày ấy, Đỗ Văn Phúc lên đường cùng với hành trang là chiếc kèn Harmonica được người cậu tặng, những lúc nghỉ ngơi chàng trai trẻ thường lấy chiếc kèn ra thổi chơi. Giọng vị tướng già sôi nổi hẳn lên: “Có hôm đang ngồi nghỉ trong hầm ở chiến hào, có một đồng chí cán bộ đi qua và hỏi: "Các cậu có ai biết thổi kèn không?". Tôi giơ tay: "Tôi biết nhưng chỉ một số bài như: Qua miền Tây Bắc, Làng tôi”. Thế là tôi thổi cho mọi người nghe, anh em rất phấn khởi. Đồng chí cán bộ hỏi: "Thế có biết thổi bài nào của Tây không?". "Tôi thì chỉ biết một bài nhạc valse của nhạc sĩ Johannes Brahms thôi!". Thế là tôi thổi luôn trong tràng vỗ tay của các đồng đội”.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc chợt dừng lời uống một ngụm nước rồi nói tiếp với chúng tôi: “Để ông thổi cho nghe lại nhé, ngày trước thổi bài này có tác dụng ghê gớm lắm. Chúng ta bắc loa sang bên phía quân Pháp, thổi cái bài này xong, tiếng pháo của quân Pháp cũng thưa dần, thưa dần. Sau này, ông được đồng đội gọi là người thổi kèn địch vận đấy. Thế mới biết công tác địch vận quan trọng thế nào!”.

Kể xong, ông cầm chiến kèn Harmonica lên thổi cho chúng tôi nghe lại bản valse của nhạc sĩ Johannes Brahms nổi tiếng người Đức. Chúng tôi thật bất ngờ khi nghe tiếng kèn Harmonica của vị tướng đã ngoài 90 tuổi, vẫn mạnh mẽ và đầy nội lực. Ông say sưa như nhớ lại tiếng kèn của 70 năm về trước.

Công tác ở nhiều lĩnh vực trong quân ngũ nhưng tình yêu với âm nhạc vẫn luôn bùng cháy trong ông. Không biết một chút nhạc lý nào, ông tự mày mò và học hỏi bạn bè rồi sáng tác ca khúc. Có lẽ vì tình yêu với âm nhạc và tâm hồn của một nghệ sĩ mặc áo lính mà ông đã cho ra đời hơn 20 tác phẩm, có những ca khúc trở thành bài hát truyền thống của đơn vị như ca khúc “Kíp săn B-52” với những ca từ ca ngợi bộ đội tên lửa (trong thời gian ông là Phó tham mưu trưởng Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không-Không quân, tham gia Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972 đặc trách về tên lửa).

Ông dẫn chúng tôi lên gác hai, nơi có phòng làm việc của ông. Bước chân có phần nặng nề của thời gian nhưng ông vẫn đùa chúng tôi: “Ngày trước hành quân trèo đèo lội suối, đi cứ phăng phăng. Cánh phóng viên khỏe mạnh dẻo dai cứ đi trước, ông sẽ từ từ tiến theo lên “căn cứ” tầng hai”.

Trong căn phòng nhỏ của người lính già, chúng tôi ngỡ ngàng bởi kỷ vật mà ông lưu giữ của những năm tháng chiến trường, các tác phẩm mà ông sáng tác. Khi phỏng vấn ông, chúng tôi nhận ra rằng, sâu thẳm trong tâm hồn trẻ trung và lạc quan ấy vẫn nặng ưu tư khi nói về những đồng chí, đồng đội của mình: “70 năm đã trôi qua, nhưng điều mà ông day dứt đến giờ chính là nhiều đồng đội ngã xuống vẫn không tìm thấy mộ, vẫn chưa được về quê hương. Ông sẽ viết điều gì đó cho đồng đội”, đôi mắt nhìn xa xăm như nỗi lòng ông muốn giãi bày.

Bữa cơm trưa tại nhà Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc ngập tràn cảm xúc, thi thoảng ông lại chọc cho mấy đứa trẻ chúng tôi nhiều chuyện không ngờ tới.

Chia tay vị tướng già có tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, tôi và anh em trong đoàn cứ thắc mắc: Điều gì làm cho ông đã ngoài 90 tuổi ấy luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời đến vậy? Có lẽ chính là sự lạc quan và tâm hồn nghệ sĩ giúp ông có một sức khỏe dồi dào và tinh thần minh mẫn.

Bài và ảnh: QUANG QUYẾT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.