Trên sân khấu Cuộc thi hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023, diễn ra hồi tháng 7 tại Hòa Bình, khi Đại úy QNCN Nguyễn Thu Huyền bước ra với bộ trang phục của đồng bào Tây Nguyên cách điệu cùng cây đàn t’rưng đã nhận được những tràng vỗ tay, huýt sáo cổ vũ rộn ràng từ phía khán giả. Thu Huyền trẻ xinh, gương mặt tươi vui cùng dáng điệu uyển chuyển, tự tin biểu diễn trên sân khấu đã lôi cuốn người nghe hòa vào thanh âm, giai điệu của tiết mục “Đại ngàn” (sáng tác của Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quốc Đạt) và “Sắc màu” (sáng tác của nhạc sĩ Vũ Bá Nha) đều mang đậm bản sắc văn hóa của đại ngàn Tây Nguyên.

Đại úy QNCN Nguyễn Thu Huyền biểu diễn độc tấu đàn t’rưng tại Cuộc thi hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023. Ảnh: TUẤN HUY

Niềm vui vỡ òa khi phần thi độc tấu với cây đàn t’rưng được xướng tên lên bục nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi, Thu Huyền dâng trào cảm xúc và rơi những giọt nước mắt. Lần đầu tham gia cuộc thi lớn dành riêng cho nhạc cụ dân tộc, Thu Huyền đã nhận được sự quan tâm, đầu tư, động viên rất sát sao của lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội ngay từ khâu chọn tác phẩm, quá trình luyện tập... “Tác phẩm “Đại ngàn” được nhạc sĩ Quốc Đạt sáng tác để tôi dự thi nên đã tập luyện rất kỹ, còn tác phẩm thứ hai bị “đổ” trước ngày tôi đi thi khoảng một tuần. Ban lãnh đạo Nhà hát đã quyết định chọn tác phẩm “Sắc màu” của nhạc sĩ Vũ Bá Nha, chỉ trong 5 ngày, với sự hướng dẫn tập luyện của nhạc sĩ, tôi đã nỗ lực và chơi hết mình trong cuộc thi”, Thu Huyền chia sẻ.

Xuất phát điểm của Thu Huyền không phải chơi nhạc cụ dân tộc, mà chơi keyboard. Sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Thu Huyền đầu quân về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Trong quá trình công tác, nữ nghệ sĩ được làm việc với các nghệ sĩ, nhạc công của dàn nhạc dân tộc và bắt đầu làm quen với cây đàn t’rưng. Từ việc mày mò tự học thông qua các video clip, tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ tên tuổi đi trước, Thu Huyền trở lại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để theo học đàn t’rưng tại Khoa Âm nhạc truyền thống. Thu Huyền kể: “Khi chọn cây đàn t’rưng, càng chơi, tôi càng say mê, đắm đuối âm thanh mộc mạc, tự nhiên của đàn. Mỗi lần tiếng đàn cất lên khiến con người ta có cảm giác như đang hòa mình vào núi, sông, cảm thấy mát mẻ và trong lành, tươi vui”.

Chơi thuần thục cây đàn t’rưng, Thu Huyền tham gia biểu diễn lúc thì độc tấu, lúc hòa tấu cùng dàn nhạc dân tộc; chơi trong các tiết mục, chương trình ca múa nhạc của các nghệ sĩ Nhà hát, mang đến sắc màu truyền thống hòa quyện với yếu tố hiện đại tạo nên sự thống nhất, kế thừa và phát triển của âm nhạc Việt Nam. “Trong nhiều chương trình biểu diễn mang ý nghĩa đối ngoại quốc phòng, các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trong đó có phần biểu diễn của tôi với cây đàn t’rưng được các đại biểu cổ vũ rất nồng nhiệt. Ở một số chương trình, các đại biểu lên sân khấu đến gần cây đàn nhờ tôi hướng dẫn để họ chơi, họ vừa chơi vừa nhún nhảy theo tỏ vẻ thích thú”, Thu Huyền kể trong nụ cười rạng rỡ.

Lan tỏa vẻ đẹp của cây đàn t’rưng cũng như thể hiện mong muốn đưa tiếng đàn đến với đông đảo công chúng, 3 năm trở lại đây, bên cạnh các hoạt động biểu diễn theo nhiệm vụ của Nhà hát, Thu Huyền cũng tạo lập một kênh biểu diễn đàn t’rưng của riêng mình trên YouTube. Với Đại úy QNCN Nguyễn Thu Huyền, chơi đàn t’rưng, thể hiện tài năng để chinh phục thanh âm của các nhạc cụ truyền thống như là sứ mệnh nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và truyền cảm hứng đến với mọi người.

CHÂU XUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.