Tôi quen biết chị Vân Anh đã hơn 10 năm, khi chị mới từ quê hương Hải Phòng về Thủ đô làm việc tại Điện ảnh-Truyền hình BĐBP. Thời điểm đó, chị đã có tên tuổi trong giới cầm bút trẻ. Năm 2009, ở tuổi 29, chị trở thành một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.

Với nhà văn, ngoài chuyện đọc thu thập kiến thức, chuyện đi để có thêm thực tế làm chất liệu cho tác phẩm luôn rất quan trọng. Suốt nhiều năm, chị Vân Anh đã đến những vùng biên giới, hải đảo xa xôi nhất của đất nước. Sâu sát với cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số và các chiến sĩ biên phòng, đã mang lại “quả ngọt” là những tác phẩm văn chương: “Khúc quân hành lặng lẽ” (tập truyện ký), “Đường biên cương dệt mùa xuân” (tập truyện ký), “Sa mộc” (trường ca)…; kịch bản những chương trình giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Vì những con tàu xa khơi”, “Những người thắp lửa biên cương”. Không chỉ đoạt nhiều giải thưởng báo chí, văn học cấp quốc gia, những tác phẩm và chương trình giao lưu do nhà văn, nhà báo Vân Anh viết được người trong giới chuyên môn đánh giá cao, độc giả và khán thính giả gần xa yêu thích.

Đại úy QNCN Phạm Thị Vân Anh (bên phải) nhận giải C Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ, người có công năm 2017. Ảnh: TUẤN ANH.

Gần đây, ca khúc “Tiếng hát từ cột mốc 3 biên” được chị Vân Anh sáng tác chung với nhạc sĩ Tuấn Anh giành Giải B Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017. Chúng tôi ngạc nhiên về “tài lẻ” của nữ nghệ sĩ và qua trò chuyện mới biết, từ khi học THPT, ngoài chuyện làm thơ, viết văn, chị đã đi theo những ca nương đất Cảng hát ca trù, được các nhạc sĩ dạy nhạc lý cơ bản. Chị rất yêu thích âm nhạc, nhưng không có nhiều thời gian để sáng tác.

Những thành công trên con đường nghệ thuật của nhà văn, nhà báo Vân Anh không phải ngẫu nhiên mà có. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ai theo nghệ thuật, không có ai khuyến khích, tất cả nhờ năng khiếu và sự chăm chỉ, bền bỉ sáng tạo suốt nhiều năm liền. Đã có lúc, chị lựa chọn học đại học chuyên ngành ngoại ngữ để mong có công việc ổn định về sau, nhưng nghề chọn người nên chị bén duyên với văn chương-nghệ thuật đến tận bây giờ. Hạnh phúc hơn là được khoác lên mình bộ quân phục mang quân hàm xanh.

Nhớ lại chặng đường đã qua, chị Vân Anh tâm sự, không được đào tạo bài bản bất cứ chuyên ngành nghệ thuật nào có lẽ lại là điều may mắn, bởi chị dường như thăng hoa hơn khi không gò bó vào các quy phạm sáng tác. Một chuyến đi miền biên viễn dài ngày, chị có thể xúc cảm làm thơ, viết nhạc trước cảnh núi non hùng vĩ; nghe kể về những câu chuyện giữ rừng giữ bản để cho ra đời truyện ký; tìm hiểu phong tục tập quán để có những bài viết về văn hóa dân gian... Làm nhiều việc một lúc như vậy nhưng ít thấy tác phẩm kém chất lượng, vẫn ghi đậm cá tính sáng tạo của tác giả.

Sức sáng tạo của Đại úy QNCN Phạm Thị Vân Anh vẫn còn dồi dào, con đường sáng tạo vẫn còn rất dài phía trước. Điều đáng mừng hơn là một người trẻ, vốn chưa được đào tạo trong ngôi trường quân đội lại rất tâm huyết với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hứa hẹn những tác phẩm chất lượng phía trước.

HOÀNG HOÀNG