Giữa tháng 11-2020, “Việt sử diễn họa” - cuốn sách tái hiện lại lịch sử Việt Nam từ thuở hồng hoang đến khi triều đại phong kiến cuối cùng chấm dứt sẽ chính thức ra mắt các bạn độc giả. Tác giả của cuốn sách này là nữ họa sĩ Thanh Huyên, sinh năm 1992, một trong những admin (người quản lý) của nhóm Đại Việt Cổ Phong – nơi quy tụ những người yêu sử Việt, mong muốn quảng bá vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.
Chia sẻ về cơ duyên đến với hội họa, Thanh Huyên kể lại, trước đây cô theo học chuyên ngành quản lý đất đai trường Đại học Vinh theo nguyện vọng của gia đình. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học và đi thực tập, cô bạn cảm thấy mình không phù hợp với môi trường này. Thay vào đó, cô muốn được sáng tạo và có một công việc “nhiều màu sắc”. Do vậy, cô đã tạm gác lại tấm bằng đại học ngành quản lý đất đai để theo đuổi ước mơ trở thành một hoạ sĩ vẽ tranh minh họa.
 |
Họa sĩ Thanh Huyên và cuốn “Việt sử diễn họa”. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khi bắt đầu một công việc mới, không có kinh nghiệm và không được đào tạo bài bản, Thanh Huyên giãi bày, tôi luôn biết mình sẽ phải đối mặt với khó khăn từ gia đình và áp lực về tài chính. Song, khi được sống đúng với đam mê của mình, tôi cảm thấy mọi thứ bỏ ra đều hoàn toàn xứng đáng. Khi đó, tôi mới được sống là chính mình...
Sau 5 năm đi theo tiếng gọi của tình yêu, cô bạn đã gặt hái được một số thành tựu khiến cho ba mẹ an tâm với sự lựa chọn của mình. Điển hình trong số đó là cuốn sách Việt sử diễn họa sắp ra mắt và 500 tập phim Hào khí ngàn năm đã từng được phát sóng trên VTV3. Đây chính là một cột mốc đánh dấu hành trình theo đuổi đam mê của cô họa sĩ trẻ.
Chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách “Việt sử diễn họa”, Thanh Huyên cho biết: “Tôi bắt đầu lên ý tưởng và viết lời cho tác phẩm này từ tháng 10 năm ngoái. Quá trình sáng tạo của tôi bắt đầu từ viết lời trước, sau đó vẽ tranh. Khi thực hiện cuốn sách này, trước tiên, tôi đã tìm hiểu, chắt lọc những chi tiết, câu chuyện nổi bật nhất của từng giai đoạn. Sau đó, tôi chuyển tải những thông tin ấy thành các bức tranh với hình ảnh sống động và màu sắc tươi mới”.
Trong quá trình thực hiện tác phẩm này, để bảo đảm được tính chính xác, Thanh Huyên cho biết bản thân luôn phải liên tục xem lại các sử liệu, dữ liệu để thực hiện việc tự kiểm. Song song với đó, cô bạn này còn tham khảo rất nhiều trang phục từ các nghiên cứu trong sách "Ngàn năm áo mũ", "Dệt nên triều đại", fanpage của anh Ấm Chè,... và đặc biệt là từ nhóm admin của Đại Việt cổ phong như anh Lê Pha, Đông Nguyễn….
Trong suốt gần một năm thực hiện ý tưởng chép sử bằng tranh, Thanh Huyên cho biết mình đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Đáng nhớ nhất phải kể đến việc tìm tài liệu trang phục cho thời kỳ Lý - Trần. Để có thể cho ra những bản vẽ mô phỏng chính xác trang phục thời kỳ đó, cô hoạ sĩ trẻ đã phải tham khảo rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Cùng với đó, cô còn đến các bảo tàng có trưng bày hiện vật để có được tư liệu chính xác nhất về cổ phục Việt.
Đối với những trang phục khó, sau khi tự tìm hiểu vẫn không chắc chắn, Thanh Huyên cho biết mình thường đăng tải thông tin cần hỏi lên trang Đại Việt cổ phong, kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến. Trong số các ý kiến đó, cô bạn thường chọn những bình luận có tính logic và nhận được sự đồng thuận từ mọi người. Sau đó, cô tiếp tục đến hỏi những người có chuyên môn và am hiểu về cổ phục Việt trước khi thêm vào sách.
Với khả năng hội hoạ và mong muốn lan tỏa tình yêu sử Việt đến với người trẻ, Thanh Huyên tâm sự rằng: “Tôi không phải là nhà nghiên cứu hay chuyên gia sử học để có thể tạo ra được những công trình, dự án đồ sộ. Việc tôi có thể làm tốt nhất lúc này, đó là khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc đến những người trẻ bằng cách riêng của bản thân. Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ ngày một thêm yêu sử Việt, dành tình cảm cho cổ phục Việt và giúp cho văn hóa cổ phong Việt tiếp cận được nhiều hơn tới các bạn trẻ. Trong tương lai không xa, tôi mong chúng ta sẽ có những bộ phim cổ trang đẹp, chất lượng!"
TRẦN YẾN