Nguyễn Tùng sinh năm 1984, bố là Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Văn Tiến, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tác giả ca khúc nổi tiếng “Hoa cau vườn trầu”; ông nội của anh là nghệ sĩ đàn bầu có tiếng Nguyễn Văn Tiếu. Là con nhà nòi, ngay từ nhỏ, những giai điệu của đàn bầu đã ngấm vào từng mạch máu của anh. Nói về cơ duyên với đàn bầu, Nguyễn Tùng nhớ lại: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được cùng bố rong ruổi trong những chuyến lưu diễn gần xa. Lúc 8 tuổi, một lần thấy bố chơi đàn bầu, tôi đã mạnh dạn nói: “Con cũng có thể chơi đàn giống bố được”. Bất ngờ trước câu nói của tôi, bố bảo: “Con đánh thử bố nghe”. Khi ấy, tôi hào hứng đánh mấy nốt và được bố khen. Ngay trong hè năm đó, tôi được bố dạy đàn bầu và không mất nhiều thời gian để đánh được bài “Xe chỉ luồn kim”. Với mong muốn theo nghiệp của ông nội và bố, tôi thi đỗ Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”.

       Thiếu tá, nhạc sĩ Nguyễn Tùng trên sân khấu biểu diễn đàn bầu.

Học bài bản về nhạc cụ dân tộc, Nguyễn Tùng còn tham gia khóa đào tạo về chỉ huy dàn nhạc. Là người ham học hỏi và tìm tòi cái mới nên anh cũng dành thời gian tập phối khí, sáng tác ca khúc về đàn bầu. Tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, anh đoạt giải nhì với cây đàn bầu, trong đó có tác phẩm “Vọng phu” do anh tự sáng tác. Ngoài ra, Nguyễn Tùng còn giành huy chương vàng toàn quân, toàn quốc về hòa tấu vào các năm 2008, 2009; huy chương vàng chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc, huy chương bạc chỉ huy dàn nhạc năm 2012; giải nhất hòa tấu dàn nhạc dân tộc năm 2020.... Cùng cây đàn bầu, nghệ sĩ đã đi phục vụ bộ đội và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đến biểu diễn tại nhiều quốc gia như: Lào, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka...

Gần 30 năm gắn bó với cây đàn bầu, nhạc sĩ Nguyễn Tùng thấu hiểu những khó khăn mà loại hình nghệ thuật này đang gặp phải. Anh chia sẻ: “Các tác phẩm về đàn bầu không nhiều, chủ yếu là những bài cũ. Để thu hút được người viết nhạc cho đàn bầu quả thực rất khó. Viết nhạc về bất cứ loại hình nào cần phải cập nhật xu hướng mới để dễ nghe hơn và thu hút khán giả trẻ. Những năm qua, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã tạo điều kiện để làm mới các tác phẩm nhạc dân tộc, trong đó có đàn bầu; đặc biệt là việc kết hợp giữa nhạc dân tộc với âm nhạc hiện đại. Tại Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, các tiết mục hòa tấu giữa nhạc cụ dân tộc được viết với phong cách hiện đại đã tạo nên tiết mục mới của nhà hát, được những người trong nghề đánh giá cao”.

Những năm qua, trên cương vị là Đội trưởng Đội nhạc dân tộc, nhạc sĩ Nguyễn Tùng đã nêu cao tinh thần tập thể trong việc viết các ca khúc mới về nhạc dân tộc. Nghệ sĩ cho biết: “Việc khó tìm những ca khúc mới về nhạc dân tộc một phần nguyên nhân đến từ việc ngày nay khán giả ít có điều kiện nghe âm nhạc truyền thống. Các chương trình, cuộc thi, liên hoan về nhạc dân tộc còn ít. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có một chiến lược quảng bá để nhạc dân tộc thật sự gần gũi hơn với khán giả, từ đó lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước với giới trẻ”. Khi được hỏi về mong ước của bản thân, Thiếu tá, nhạc sĩ Nguyễn Tùng khao khát: “Khi còn sống, bố tôi mong muốn có thể tập hợp tất cả nhạc sĩ chơi nhạc dân tộc của toàn quân tổ chức một chương trình âm nhạc dân tộc theo hình thức thường niên. Đây giống như một sân chơi để các nhạc sĩ dân tộc giao lưu, học hỏi, đề xuất những mong muốn, nguyện vọng về nghề. Bố tôi chưa làm được và tôi mong muốn rằng một ngày nào đó, mình cùng các nghệ sĩ của quân đội có thể hoàn thành tâm nguyện này”.

Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Nông Thị Bích Kim, Chính trị viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cho biết: “Nhạc sĩ Nguyễn Tùng có xuất phát điểm thuận lợi từ một gia đình truyền thống về đàn bầu. Những năm qua, Nguyễn Tùng đã biết tận dụng lợi thế này, không ngừng học hỏi để trưởng thành hơn. Trên cương vị đội trưởng đội nhạc dân tộc, Tùng đã phát huy tốt năng lực, khẳng định bản thân có thể tiếp bước được thế hệ cha ông và truyền thống gia đình”.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG