Đầu thế kỷ 20, nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam ra đời từ kết quả của cuộc tiếp biến trong văn hóa Việt Nam với văn hóa Pháp và phương Tây. Cuộc tiếp biến văn hóa này đã làm cho văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam kết thúc một thời kỳ dài hàng nghìn năm khép kín theo phong cách phương Đông, hướng dần cấu trúc lại văn hóa, nhằm gia nhập vào quỹ đạo sáng tạo của thế giới.

Cuộc tiếp biến văn hóa của Việt Nam với Pháp và phương Tây đã làm cho VHNT Việt Nam chuyển hóa sang thời kỳ mới với mục tiêu văn minh, dân chủ, cách mạng hóa, hiện đại hóa... Từ đó sinh ra các thể loại, loại hình mới trong VHNT, trong đó có nghệ thuật kịch. Nghệ thuật kịch Việt Nam ra đời từ công lao của các trí thức Tây học ở Pháp hoặc ở trường Pháp tại Việt Nam, qua việc dịch đăng trên báo chí các thể loại thơ, ký, truyện, tiểu thuyết, kịch của Pháp cho độc giả Việt Nam. Và nhiều người trong số họ đã khởi xướng xây dựng nền kịch Việt Nam bằng tác giả và nghệ sĩ Việt Nam.

  Cảnh trong vở kịch “Vũ Như Tô”-tác phẩm nổi tiếng của tác giả Nguyễn Huy Tưởng.Ảnh: QUANG TẤN

Ngày 21-10-1921, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được công diễn, là sự kiện lịch sử đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật kịch Việt Nam.

Nhờ có phong trào sáng tác và biểu diễn kịch mạnh mẽ, nhiều tổ chức kịch tài tử đã ra đời, như: Hội Uẩn Hoa, Hội Đồng Hữu Ái, Hội Sinh viên, Hội Viên chức, Hội Thánh, Hội Trường dòng... của Hà Nội và Hải Phòng, Bắc Ninh. Đặc biệt, sau này có Ban Kịch Trường Đình Thi, Lại Quang Mậu (1929); Ban Kịch Thế Lữ (1935); Ban Kịch Tinh Hoa (1936); Đoàn Kịch Anh Vũ (1943)... mang tính chuyên nghiệp, thi nhau diễn kịch, làm nức lòng khán giả.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Hà Nội có nhiều ban kịch không chuyên của các tổ chức cách mạng ở nhiều địa phương được thành lập, như: Ban Kịch Sao Vàng (Thanh niên Cứu quốc Hà Nội); Ban Kịch Xuân Thu (Ban Tuyên truyền ngoại thành Hà Nội); Ban Kịch Bình dân (Học vụ Trung ương); Ban Kịch tháng Tám (Cơ quan Tuyên truyền Bắc Bộ); Ban Kịch Hoàng Diệu; Ban Kịch Hội Văn hóa cứu quốc. Ở các địa phương khác có: Ban Kịch Tiền phong (Hải Phòng); Ban Kịch Gió biển (Kiến An); Ban Kịch Văn hóa (Thái Bình); Ban Kịch Nam Trung Bộ...

Đến tháng 8-1951, tại khu rừng già Nông Lâm (Việt Bắc), Đoàn Văn công nhân dân Trung ương bao gồm các tổ chèo, ca múa nhạc và kịch chính thức ra đời, do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm Trưởng đoàn, Thế Lữ làm Phó trưởng đoàn kiêm đạo diễn và Học Phi phụ trách hành chính. Sau hòa bình lập lại năm 1954, trên miền Bắc, hầu như tỉnh nào cũng có đoàn kịch và nhà hát của riêng mình theo cơ chế bao cấp, chuyên nghiệp, hiện đại.

Có thể nói, kể từ ngày 21-10-1921 đến nay, lịch sử nghệ thuật kịch Việt Nam đã tròn 100 tuổi, trong đó có 76 năm thuộc về kịch cách mạng (tính từ thời điểm ngày 2-9-1945). Kịch cách mạng là con đẻ của cách mạng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chủ nhân sáng tạo của kịch cách mạng là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, nghệ sĩ đi theo cách mạng, với tinh thần phục vụ chính trị, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Suốt 76 năm qua, Đảng luôn giữ vai trò “chèo lái” cho sự phát triển nghệ thuật Việt Nam và nhờ đó, kịch Việt Nam đã đi từ nghiệp dư, tài tử sang chuyên nghiệp, bác học, hiện đại, hoàn thiện. Đã có hàng nghìn tác phẩm, hàng nghìn nghệ sĩ (tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, biên đạo múa, lý luận phê bình...) vừa có trình độ, được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, vừa có tâm, có tài với những Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đặc biệt, đã có không ít nghệ sĩ vinh dự được gắn tên đường phố ở Hà Nội và ở nhiều thành phố khác.

Nghệ thuật kịch cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ khi ra đời còn non trẻ với mưa rừng suối lũ, cơm nắm nước khe, hành quân không ngủ, mang vác đạo cụ như chiến sĩ, diễn dưới ánh sáng dầu lạc, dầu sở, ánh đuốc trên bãi rừng, khe suối cho đến hôm nay hoành tráng ngời ngời trong nhà hát hiện đại, thì vẫn luôn luôn bám sát hiện thực, phản ánh chân thực cuộc sống cách mạng và lúc nào cũng đứng về phía Đảng, phía nhân dân để xứng đáng là “vũ khí tư tưởng sắc bén”. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, khán giả gọi kịch kháng chiến, kịch cách mạng là “chiếc xe cứu hỏa”, “chiếc xe cứu thương” nhanh chóng, kịp thời, hữu ích cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiên phong trên mặt trận chống tiêu cực, chống thói hư, tật xấu của xã hội để bảo vệ, xây dựng cái đẹp, cái thiện, cái tiên tiến của cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kịch đã có mặt ở trận địa phòng không, ở các tuyến lửa “nhằm thẳng quân thù mà bắn” và đã tới Khu 4 phục vụ những đội quân “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, “xẻ dọc Trường Sơn”, đến với đơn vị 559 và cũng đã tới sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, tới hầm địa đạo Vịnh Mốc để diễn động viên đồng bào, đồng chí chiến đấu. Kịch đã ca ngợi những gương sáng anh hùng, đã thôi thúc chiến sĩ ra trận, đã chia ngọt sẻ bùi với nhân dân lấp hố bom, mở đường ra trận. Khi hòa bình, kịch lại có mặt ngay ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để chung tiếng hát mừng ngày toàn thắng, thống nhất đất nước...

76 năm qua, các nghệ sĩ kịch đã là chiến sĩ cách mạng, đã đem tâm huyết, trách nhiệm của mình xây dựng kịch theo phong cách Việt Nam, cố gắng phản ánh chân thực, sinh động những bước đi của dân tộc và lý giải sâu sắc phần nào quá trình diễn biến chuyển hóa tính cách của con người Việt Nam lớn lên từ nghèo khó, lạc hậu, phong kiến qua khói lửa chiến tranh lâu dài, tàn khốc để thành con người mới, có cuộc sống mới dưới chế độ XHCN, có khả năng “trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”. Những sáng tạo của các nghệ sĩ kịch rất phong phú về đề tài, đa dạng về chủ đề và sinh động về cách thể hiện. Do đó, dù là lịch sử, dã sử, huyền thoại hay hiện đại hoặc nước ngoài; dù là bi kịch, hài kịch, chính kịch hay luận đề, tâm lý... thì đều là tâm huyết với nội dung anh hùng ca, thể hiện những hình tượng cao đẹp biết đứng lên làm chủ mình, làm chủ hoàn cảnh, vượt qua mọi thử thách để tạo nên một hệ giá trị Việt Nam, tập trung làm nổi bật con người Việt Nam với lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, tiết kiệm, trọng tinh thần “mình vì mọi người”.

Nghệ thuật kịch Việt Nam qua một thế kỷ đã trưởng thành từ không đến có, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, từ thô sơ đến hiện đại, từ tài tử chơi vui đến “phò chính trừ tà”. Nó sinh ra bằng tiếp biến văn hóa với phương Tây và thành “chiến sĩ cách mạng”, gắn với con người làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại và gắn kết với sân khấu truyền thống một cách sâu đậm, mang hồn cốt dân tộc Việt Nam. Hiện diện ở đó là tên tuổi của: Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ, Học Phi, Nguyễn Đình Thi, Đào Hồng Cẩm, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Thành, Doãn Hoàng Giang, Tường Trân, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Xuân Huyền, Trần Tiến, Trọng Khôi, Lê Khanh, Thanh Tú... cùng sự trưởng thành về thẩm mỹ của các thế hệ công chúng sân khấu Việt Nam.

100 năm trước, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các nghệ sĩ đã mở đường bằng vở “Chén thuốc độc”, đã tuyên ngôn cho một thể loại kịch Việt Nam ra đời và cho đến hôm nay, liên tục các thế hệ đã tụ hội vẫn cùng nhau cất tiếng nói khẳng định: Kịch Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện, hiện đại, không thua kém với bất kỳ nền sân khấu kịch tiên tiến nào trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần nói rằng: Cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế là sáng tạo đột phá của Đảng ta. Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 100 năm kịch Việt Nam, chúng ta cũng có thể tin rằng, nghệ sĩ sân khấu kịch Việt Nam sẽ sáng tạo bứt phá để phù hợp “sự nghiệp đột phá” của Đảng. Niềm tin này như một lời thề danh dự của nghệ sĩ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam thời đại mới.

PGS, TS TRẦN TRÍ TRẮC, Nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu