Vì vậy, khi Duy chọn sân khấu cải lương làm nghề thì đều bị người thân phản đối. Tuy vậy, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2010, người con xứ Tràm Chim quyết thi đậu vào Khoa Sân khấu, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ). Trong 3 năm học tập, cùng với kiến thức và trải nghiệm thi diễn đoạt giải khuyến khích Cuộc thi “Tiếng hát truyền hình tỉnh Kiên Giang” và huy chương bạc bài vọng cổ “Về miền Tây em nhé” của tác giả Nguyễn Hoài Vân tại Liên hoan “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XIV (tổ chức cùng năm 2013) đã từng bước khẳng định khả năng và là dấu mốc quan trọng trên con đường nghệ thuật của chàng trai đam mê cải lương.

Nghệ sĩ Lê Duy hóa thân vai Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền trong vở cải lương “Chất ngọc Cầm Thi Giang”. 

Tốt nghiệp cuối năm 2013, Lê Duy đầu quân về Đoàn Cải lương Tây Đô thuộc Nhà hát Tây Đô, đồng thời cộng tác với một số đoàn cải lương chuyên nghiệp, thu âm cho các đài phát thanh, truyền hình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... Năm 2014, với vai Vua Trần Nhân Tông trong trích đoạn vở cải lương “Đêm trước giờ hoàng đạo”, Lê Duy đoạt huy chương vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang; trong Cuộc thi "Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017" diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lê Duy đoạt huy chương vàng vai Trần Thặng trong trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”... Gần đây nhất là năm 2023, Duy đoạt huy chương bạc Cuộc thi cải lương Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền (cuộc thi nhằm tôn vinh, ghi nhận đóng góp của cố soạn giả Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền, do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức).

Tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2024, Lê Duy đảm nhận vai Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền trong vở “Chất ngọc Cầm Thi Giang” của tác giả, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt; chuyển thể: Nguyễn Nhật Hào, Dương Thanh Đề. Nghệ sĩ Thạch Sỹ Long nhận xét: “Vai Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền trong “Chất ngọc Cầm Thi Giang” là vai diễn khá “nặng ký” với người trẻ, bởi mỗi phân cảnh gắn với giai đoạn lịch sử nên tính cách nhân vật cũng thay đổi, nhưng phải rõ nét về cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Không ngại khó, Lê Duy đã tìm hiểu kỹ lý lịch nhân vật, nghiên cứu từng câu ca, lời thoại để thể hiện điệu bộ, cử chỉ điềm đạm của một người thầy tuồng, một nhà nho và là người tiếp thu kiến thức từ phương Tây”.

Sự hướng dẫn của đạo diễn và các anh chị đồng nghiệp đã giúp Lê Duy hoàn thiện dần khi lột tả khí chất, thần thái của nhân vật. “Trong đó, tôi ấn tượng nhất là từ cảnh cụ Mộc Quán nghe tin người Pháp tàn sát dân lành ở đồng Nọc Nạng đến đối diện với Ông Cò-một nhân vật phản diện. Đây là đoạn cao trào đấu tranh giữa thiện và ác, cụ đã nêu bật tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai. Từ câu chuyện đó, cụ viết vở cải lương thuần Việt đầu tiên trong sự nghiệp là “Giọt máu chung tình”, thể hiện tình yêu quê hương, đồng bào với những ca từ đậm chất nhân văn; nhất là dùng động tác, nội tâm, cùng học trò Phùng Há diễn đoạn kết đầy cảm xúc. Bên cạnh đó là sự ra đời của Tập Ích Ban tại Thốt Nốt được xem là gánh hát đầu tiên của Cần Thơ”, Lê Duy tâm sự.

Ông Bùi Hữu Tính, Trưởng đoàn Cải lương Tây Đô cho biết: “Mỗi khi giao Lê Duy vai tuồng nào tôi đều yên tâm vì cậu ấy rất có trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Duy luôn nghiên cứu kỹ kịch bản để hiểu rõ tính cách nhân vật, từ đó sắp xếp câu ca, thể hiện điệu bộ phù hợp với vai diễn. Với “Chất ngọc Cầm Thi Giang”, Lê Duy càng trưởng thành qua các lớp diễn nói lên sự đau đáu của người cầm bút trước thân phận người dân và vận nước để viết những tuồng tích cất lên tiếng nói trung nghĩa. Tôi rất hài lòng về Lê Duy khi hoàn thành tốt vai Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền trong đêm thi diễn”.

Không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi thỏa niềm đam mê được tỏa sáng trên sân khấu cải lương. Hiện tại, nghệ sĩ Lê Duy tham gia đều đặn chương trình nghệ thuật định kỳ vào sáng thứ bảy hằng tuần tại chợ nổi Cái Răng và tối thứ bảy tại bến Ninh Kiều; Chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” vào sáng chủ nhật cuối tháng tại Nhà hát Tây Đô. Đó là cách trau dồi kỹ năng biểu diễn, tạo nền tảng vững chắc cũng như giữ mãi ngọn lửa nghề và đưa cải lương đến gần hơn với công chúng.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.