Bài thơ thể hiện tính thời sự của nó khi được viết vào tháng 5-1954, chỉ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày. Tuy nhiên, tính thời sự không làm lấn át đi tính nghệ thuật. Thơ Tố Hữu có thế mạnh sử dụng chất liệu dân gian từ ca dao, tục ngữ, và trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, mở đầu tác phẩm đầy dồn dập, reo vui. Tác giả gần như sử dụng chất liệu đồng dao (một trò chơi cửa miệng của trẻ em) trong việc vận hành khổ thơ: “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa...” (người viết nhấn mạnh cách gieo vần). Sử dụng lối viết mang chất liệu đồng dao ở đây thể hiện một lối viết tự động, không chịu sự kiểm thảo, suy xét của lý trí, bởi vì tác giả muốn tốc độ viết nhanh hơn, cho kịp với tin vui đang ùa đến với mọi miền Tổ quốc. Niềm vui ào đến như vỡ ra, không còn có thời gian để điều chỉnh ngôn từ, câu thơ và tứ thơ tự đến, vọt nhảy như con chiến mã hào hùng.

Tố Hữu thể hiện tất cả những gì là thế mạnh và bản sắc bút pháp trong nghệ thuật qua thi phẩm này. Lối xưng hô khẩu ngữ, thế mạnh đưa lời ăn tiếng nói thường ngày vào thơ ca được nhiều lần vận dụng trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Bản thân tựa đề với hai chữ “hoan hô” đã thể hiện tính reo mừng khẩu ngữ. Bài thơ có 4 lần "hoan hô", 3 lần "hoan hô chiến sĩ Điện Biên" và một lần "hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp"-vị tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếng thơ của Tố Hữu sở dĩ đi vào lòng dân tộc vì đại diện cho tiếng nói, tình cảm của toàn thể nhân dân. Dẫu thành phần, quan điểm gì, đứng trước một chiến thắng vĩ đại vang dội năm châu, chấn động địa cầu như thế, không thể nào không reo vui, thán phục.

Dù có nhiều chất liệu đời thường, nhưng thơ Tố Hữu vẫn mạnh về tính triết lý và tính sử thi hùng tráng. Thơ Tố Hữu ngoài giọng điệu tâm tình quen thuộc còn là thứ thơ “tân lãng mạn” thiên về cái hùng tráng, cao cả. “Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!”. Cách sử dụng con số cỡ lớn “ba nghìn ngày", cho đến việc xây dựng hình tượng “sáng rực”, “huân chương”, “anh hùng” đã làm thơ Tố Hữu toát lên vẻ hùng tráng, đầy tự hào dân tộc. Nhưng đoạn thơ hay nhất của bài phải là đoạn miêu tả các anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua lưới thép gai/ Ào ào vũ bão…”. Đây là những câu thơ hay nhất mà một thi sĩ, một trái tim công dân yêu nước có thể viết nên. Từ ngữ, cấu tứ đơn giản nhưng tình cảm thấm đẫm ra ngòi bút. Hiện thực tự nhiên đã là chất thơ đầy sử thi, khiến nhà thơ không cần nhiều lời hư cấu. Cái hay, cái tài của Tố Hữu thể hiện trong tính giản dị của bút pháp, viết thơ mà như kể, kể lại rất chân thành. Làm được điều đó, tưởng dễ mà kỳ thực lại rất khó. Nghệ thuật thi ca đích thực là thứ nghệ thuật không màu mè, dối trá, nó phải là tiếng hát của con tim, rung lên từ tình cảm đích thực.

Bài thơ xứng đáng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung và sự nghiệp thơ ca Tố Hữu nói riêng còn bởi tính lãng mạn, trữ tình vốn là sở trường riêng của thi nhân. Kết hợp sử thi hùng tráng, đầy lý trí với tình cảm trữ tình lãng mạn không phải ai cũng làm được trong thơ, nếu may mắn làm được, trên văn đàn Việt Nam hiện đại cũng không có ai viết qua/ hơn được Tố Hữu. Những câu thơ mặc dù hào hùng, bi tráng nhưng vẫn thắm tình quân dân, tình yêu lứa đôi một cách ngầm ẩn: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.../ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống!/ Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng!/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…”.

Giá trị nhân văn và tư tưởng của bài thơ thể hiện ở đoạn cuối, với khát vọng tự do và hòa bình: “Tổ quốc chúng tôi/ Muốn độc lập, hòa bình trở lại/ Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái…”. Tư tưởng yêu chuộng hòa bình của Tố Hữu thấm nhuần tư tưởng của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh trong những bản thiên cổ hùng văn, thể hiện tính khoan hòa và nhân bản đích thực của dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong chiến thắng oanh liệt, trước kẻ thù tàn ác, dân tộc Việt Nam vẫn không muốn đổ máu, truy sát hay ca ngợi chiến tranh. Do đó, bài thơ xứng đáng có tầm vóc nhận thức tư tưởng ở tầm thế giới. Một bài thơ vẫn còn mang tính thời sự và tự hào cho đến ngày hôm nay.

TS PHAN TUẤN ANH