Tôi rất xúc động khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lúc trao giải đã nói: "Vĩnh Phúc đây, Sơn Lôi đây! Chính họ đã kiên cường vượt qua đợt dịch Covid-19 đầu tiên khi nhiều người vẫn chưa hiểu hết về tác hại của dịch bệnh này”.

Hội đồng giám khảo Giải thưởng VHNT năm 2021 nhận được gần 400 tác phẩm từ các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương, được phân ra các chuyên ngành: Thơ, văn xuôi, lý luận phê bình văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian, sân khấu. Ban tổ chức đã trao 9 giải tặng các tác giả xuất sắc của 9 hội VHNT chuyên ngành Trung ương, 62 giải tặng tác giả là hội viên các hội VHNT tỉnh, thành phố; 1 giải xuất sắc về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 tặng Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao thưởng cho các tác giả xuất sắc của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương. 

Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, nhìn chung, các tác phẩm đoạt giải đều phản ánh khách quan mọi mặt đời sống xã hội. Nhiều tác giả trẻ có những tìm tòi, khám phá mới, nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lý của dân tộc, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống Covid-19”-ảnh nghệ thuật của tác giả Huỳnh Văn Truyền (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam); “Thành trì cuối cùng”-phim tài liệu truyền hình của đạo diễn Ngô Quang Thịnh (Hội Điện ảnh Việt Nam); “Những chiến binh thầm lặng”-phim tài liệu của đạo diễn Ngô Quang Hải-Trần Kim Triều (Liên hiệp các Hội VHNT TP Hồ Chí Minh); “Niềm tin tất thắng”-tác phẩm VHNT về đề tài “Vĩnh Phúc chung tay phòng, chống Covid-19” của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc...

Sau hai năm không có tác phẩm dự thi, năm nay chuyên ngành kiến trúc có hai tác phẩm đoạt giải: Giải B cho tác phẩm “Thiết kế đô thị cho đường Tôn Thất Tùng kéo dài” của nhóm tác giả Hoàng Đình Viên Phương-Nguyễn Phương Linh (Hội Liên hiệp VHNT TP Hà Nội); giải C cho công trình “Nhà hàng tre trúc” của KTS Mạnh Hùng (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên). Năm 2021 cũng chứng kiến sự bứt phá sáng tạo của các hội viên chuyên ngành mỹ thuật. Dù gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, song các nghệ sĩ thế hệ 7X, 8X, 9X đã có những cách cảm nhận cuộc sống đương đại qua ngôn ngữ tạo hình. Chị Nguyễn Thị Lê Hồng (Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An), tác giả của tác phẩm sơn mài “Chùa Thầy” đoạt giải khuyến khích, chia sẻ: “Trong một lần ra Hà Nội học tập, say đắm trước cảnh sắc, không gian của chùa Thầy, tôi đã quyết tâm sáng tác và hoàn thành tác phẩm trong 7 tháng. Tác phẩm được trao thưởng là động lực lớn để tôi tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm tốt hơn trong thời gian tới".

Năm 2022, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trải qua chặng đường 74 năm phát triển. Trong đó, Giải thưởng VHNT Việt Nam đã tròn 70 năm tổ chức và luôn thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo văn nghệ sĩ trên cả nước. PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đánh giá: “Giải thưởng VHNT năm 2021 như những bó hoa xuân lộng lẫy, tươi thắm sắc màu cùng nhân dân cả nước chào đón năm mới. Qua mỗi giải thưởng chúng ta càng thấy các tác giả luôn phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm và đề cao tính chuyên nghiệp. Các văn nghệ sĩ luôn thể hiện khát vọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dựng xây đất nước giàu đẹp".

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG