Tôi chẳng phải người quan họ, thế nhưng đã bén duyên với mảnh đất này. Những tháng năm miệt mài học tập, rèn luyện trên đất Kinh Bắc, câu ca quan họ theo nhịp bước quân hành. Mùa xuân, hành quân qua làng quan họ, ngang những triền đê vẳng nghe câu hát theo gió đưa về. Những đêm văn nghệ, bộ đội hào hứng đón liền chị vào giao lưu. Mắt lấp lánh ngước nhìn khóe môi e ấp trong vành nón ba tầm. Quan họ ra về mà đêm nằm vẫn thao thức ngân nga.

Vui nhất vẫn là những dịp đi dân vận, sớm giúp bà con, tối ngồi nghe hát để hiểu về lối chơi, nết ăn, nết ở, cái nghĩa, cái tình của người quan họ. Cả một miền văn hóa thăm thẳm lẩn quất trong những điều giản dị nơi thôn dã. Chừng ấy thôi cũng đủ để vấn vương nhớ mãi khôn nguôi. Có người đã từng nói hộ lòng khách phương xa: “Mặn mà duyên dáng cùng ai/ Câu ca đằm thắm sớm mai dùng dằng/ Mưa kia lưu khách được chăng/ Để tôi nhung nhớ đêm nằm tơ vương”.

Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Xuân này, tôi tìm về Diềm thôn. Ngôi làng cổ có đền thờ Vua Bà thủy tổ quan họ. Đường đê chênh vênh lưu dấu bước chân hành quân từ thuở đôi mươi. Bước chân một thời trai trẻ đi trong ngân nga câu quan họ. Liền chị làng Diềm đưa tiễn đoàn quân bên bến sông Cầu để lại bao thương nhớ. Dòng sông vẫn long lanh ánh bạc và sóng sánh lời ca quan họ. Bao hội xuân thuyền ngang qua bến, người người men nẻo triền đê cứ nghe câu hát mà tìm về. Từ giếng Ngọc, đền Cùng đến đình làng Diềm có thể gọi là “con đường quan họ”.

Gạch nối hữu duyên ấy để liền anh, liền chị ở những làng quan họ kết chạ với nhau hẹn hò, cất lời ca đối đáp giao duyên. Quan họ gặp nhau là “tứ hải giao tình”, là “sum họp trúc mai” để rồi ngẩn ngơ, lắc lư trong những “vang, rền, nền, nẩy”. Câu hát vắt từ cửa đình sang đến nhà chứa quan họ. Canh hát kéo dài thâu đêm. Tình người mênh mang sâu lắng.

Năm nay, làng Diềm lại lỡ hội. Đường quê vắng bóng yếm hồng cánh sen, thắt lưng xanh hoa lý, nón ba tầm chao nghiêng. Thế nhưng câu hát thì vẫn khoan nhặt dưới những nếp nhà, rồi lan ra như tiếng gọi bằng hữu. Người quan họ vẫn hát để vơi đi nỗi nhớ bạn hiền, cho thỏa niềm ao ước hội xuân. Ngồi bên thềm nhà, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Bàn ngóng bạn già Nguyễn Thị Trạch. Cả hai đều đã ở ngưỡng cửu tuần, mấy xuân trước còn nắm tay nhau thong dong ra nhà chứa hát canh, nay chân chậm mắt mờ, chỉ có câu hát thì vẫn tỏ tường. Khách đến chơi nhà chẳng kể thân sơ là hát.

Tay nâng cơi trầu thếp sơn son mời khách, cụ Bàn ý nhị thưa rằng: “Người quan họ vốn trọng tình mến khách, ai đến chơi cũng lấy câu hát ra mà đối đãi. Bởi phải là người yêu ca lắm mới tìm đến mình chứ già nua như lá cuối mùa ai cần”. Ấy là cách nói khiêm nhường chứ cụ được xếp vào hàng “xưa nay hiếm”, là “báu vật sống” của lối chơi quan họ cổ. Cả làng chẳng còn được mấy người.

Nhìn khuôn gương vời vợi nếp gấp thời gian xô dạt vào nhau, chẳng ai nghĩ rằng lão nghệ nhân có thể ngân lên những giọng rung, hạt nẩy, nhả câu, ngắt chữ nhịp nhàng. Miệng nhai giập miếng trầu là có thể cất lên câu ca sang sảng được chắt chiu qua mấy mươi xuân, nghe càng đắm, ngẫm càng say. Cả một đời đắm đuối với tiếng hát, đến khi xế bóng vẫn âm thầm rút ruột nhả tơ.

Nhìn lão bà vóc hạc tựa cửa, tôi cứ lo rằng nhỡ lớp người như cụ mây trắng về giời thì lấy ai truyền dạy “hừ la”, “la rằng”... Mãi sau mới biết, con dâu cụ là chị hai Nguyễn Thị Thềm cũng là Nghệ nhân Ưu tú quan họ vừa đủ độ chín để tiếp nối mạch nguồn quê hương. Kế sau là lứa các cháu tuổi mới đôi mươi mà đã biết yêu vốn quý của bậc tiền nhân, tối tối đến nghe cụ hát rồi chép lại lời, nhẩn nha học từng câu, từng chữ.

Chỉ nhìn vào phả hệ ấy cũng đủ thấy quan họ sẽ còn được gìn giữ, lưu truyền. Để rồi mỗi độ xuân sang, người yêu quan họ lại tìm nghe câu hát, lòng những bâng khuâng “người ơi, người ở đừng về...”. Với tôi: "Tuổi xuân gửi lại chốn này/ Đi xa vẫn nhớ vơi đầy tình xuân/ Câu ca nhịp bước hành quân/ Lời thương đã ngỏ trong ngần nắng mai".

VŨ DUY