Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội

Với độ dài 25 phút, bộ phim "Như hạt phù sa" của đạo diễn Vũ Minh Phương đã khắc họa đậm nét hình ảnh cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng. Người cựu chiến binh này cả cuộc đời luôn tâm niệm phải sống sao cho “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”. Ông như như hạt phù sa sông Hậu cần mẫn, âm thầm đắp bồi cho đất, mang lại những “quả ngọt” cho đời.

Nhân vật chính trong phim là Đại tá Nguyễn Văn Hoàng (Ba Hoàng), nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Năm 2004, huyện này được thành lập, dù cách trung tâm không xa nhưng vẫn là một huyện nghèo. Cuộc sống của người dân dựa vào nông nghiệp, vốn đã thiếu thốn lại cách trở bởi bốn bề sông nước. Đại tá Nguyễn Văn Hoàng thấu hiểu bao khó khăn của người dân nơi đây. Gần 700 cựu chiến binh trên địa bàn, phần đông gia cảnh còn nghèo, trong đó có tới 140 hội viên không có nhà ở hoặc đang cư ngụ trong những túp lều tạm bợ. Để đồng đội có một mái ấm chính là nghĩa tình và trách nhiệm ưu tiên hàng đầu của Hội. Cùng với ngân sách Nhà nước là việc chung tay của nhiều người và sự giúp đỡ từ các nguồn lực thì mới hy vọng đồng đội có chỗ ở ổn định, đó là trăn trở của người cựu chiến binh này.

leftcenterrightdel
CCB, Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng (trái) trong phim tài liệu "Như hạt phù sa".

Xem phim, khán giả cảm nhận được hình ảnh cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng luôn mang trong mình nhiệt huyết sống, chiến đấu vì quê hương. Tấm gương đạo đức của Bác Hồ là hành trang để Đại tá Nguyễn Văn Hoàng luôn mang bên mình, tự hoàn thiện bản thân, nêu gương cho đồng đội và chăm chút cho những gia cảnh đồng đội còn bao lo toan giữa cuộc sống bộn bề.

Với những cựu chiến binh nơi đây, tên gọi thân mật - anh Ba Hoàng, luôn thân thuộc như người trong gia đình. Được sự giúp đỡ tận tình của Đại tá Nguyễn Văn Hoàng và các cấp chính quyền, thương binh Nguyễn Hà Phúc, người lính năm xưa đã dũng cảm bắt sống xe tăng của địch, là người đầu tiên nhận được sự giúp đỡ của Quỹ nghĩa tình đồng đội. Trước đây, cả gia đình thương binh Nguyễn Hà Phúc tá túc trong căn lều dựng tạm bên chợ Phong Điền. Chuyện cơm áo hàng ngày đè nặng lên ước mơ có được một mảnh đất, xây được một ngôi nhà cho gia đình. Nhờ tấm lòng của đồng đội, anh chị đã có một mái ấm cho riêng mình. Sau ngôi nhà đầu tiên dành cho cựu chiến binh Nguyễn Hà Phúc, nhiều ngôi nhà tình nghĩa khác cũng đã hoàn thiện, dành tặng cho những cựu chiến binh khó khăn và tri ân cho gia đình có người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Trong chiến đấu, công tác cũng như trong đời thường, cựu chiến binh Ba Hoàng luôn lấy những bài học đạo đức của Hồ Chí Minh làm đích đến để noi gương, rèn luyện bản thân. Từng lời dạy của Người được ông vận dụng để phục vụ nhân dân, đồng đội được tốt hơn.

Đạo diễn Vũ Minh Phương cho biết: Trước đây, đã có nhiều phương tiện truyền thông khai thác nhân vật Ba Hoàng nhưng chỉ là những việc về xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ đồng đội. Khi quyết định làm bộ phim "Như hạt phù sa”, đoàn làm phim phải tìm hiểu kỹ hơn về nhân vật này thì thấy cựu chiến binh Ba Hoàng là nhân vật rất đặc biệt nên đã báo cáo Ban giám đốc đề nghị khai thác rộng hơn.

Hướng về Bác với tấm lòng thành kính

Trong quá trình thực hiện bộ phim "Như hạt phù sa", đi đến đâu, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng được bà con tận tình giúp đỡ. Ấn tượng nhất với đoàn làm phim là cảnh quay của các nhân vật đều rất dung dị, chân thật, từ các nhân vật đã toát lên tình cảm, việc làm hướng về Bác. 

Với nhân vật Ba Hoàng, đứng trước Bác hằng ngày khiến ông tự suy ngẫm, chiêm nghiệm về bản thân, để gắng sức mình hơn nữa, học tập theo tấm gương đạo đức của Người. “Chỉ nhìn thấy Bác cũng đủ để ta suy ngẫm, chiêm nghiệm và sống thật có ích”, suy nghĩ giản dị mà chân thành đó của của người cựu chiến binh này đã khiến ông luôn làm việc hết lòng vì đồng đội và nhân dân. Phong trào rước ảnh Bác Hồ về thờ trong gia đình Hội viên cựu chiến binh huyện Phong Điền năm 2007 được Đại tá Nguyễn Văn Hoàng khởi xướng và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Giờ đây, nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình đều có ảnh chân dung Bác Hồ, để mỗi cựu chiến binh nhìn Bác là thấy mình phải sống xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, trong nhà những cựu chiến binh nơi đây còn có thêm ảnh chân dung của Đại tướng. 

Bộ phim tài liệu “Như hạt phù sa” để lại dấu ấn với khán giả bởi nhiều cảnh quay đặc sắc, trong đó có cảnh bà Trần Thị Vui, ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long, huyện Phong Điền đang kể cho các cháu nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Bà Vui là người sưu tầm nhiều ảnh tư liệu và những câu chuyện kể về Bác Hồ. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được nghe những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lời kể của cha mẹ và những người lớn tuổi. Tình cảm yêu quý mà người con miền Nam dành cho Bác Hồ cứ lớn dần theo năm tháng. Cũng từ đó đến nay, những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác luôn được bà Vui sưu tầm và chia sẻ cho mọi người mỗi khi có dịp.

Từ việc làm ý nghĩa của Hội cựu chiến binh huyện Phong Điền và tấm lòng của người dân đối với Bác Hồ, phong trào rước ảnh Bác về thờ đã lan tỏa rộng khắp tại huyện Phong Điền.

Nhân vật Ba Hoàng xuyên suốt toàn bộ phim, thể hiện sự gắn kết giữa các mảnh đời, số phận, các câu chuyện lại với nhau. Các nhân vật, bối cảnh trong phim thể hiện tấm chân tình của người dân nơi đây dành cho Bác Hồ, đó là tình cảm xuất phát từ đáy lòng của mỗi người dân miền Nam với Bác. Đây chính là thành công của bộ phim “Như hạt phù sa”. Những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chạm đến trái tim khán giả bằng một tác phẩm điện ảnh mang tính nhân văn sâu sắc.

leftcenterrightdel
Trích đoạn trong bộ phim tài liệu “Như hạt phù sa” .

KHÁNH HUYỀN