Bấy giờ đầu thập niên 1980, thơ còn nhiều người thích nghe, đi nói chuyện thơ khá phổ biến ở các hội văn học nghệ thuật. Tôi theo anh Phạm Tiến Duật đem thơ về người lính ở chiến trường đi nói chuyện ở một vài nhà máy, xí nghiệp và trường học. Có nơi như Nhà máy Giấy Việt Trì đón nhà thơ còn có khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng các nhà thơ”.  

leftcenterrightdel

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc thơ tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) khoảng thập niên 1980. Ảnh: NGUYỄN THẢO 

Gắn bó với đường Trường Sơn nên con đường luôn có trong anh, ám ảnh anh, thức ngủ với anh. Vì thế, một lần ở quê, thấy trên bờ tường nhà nọ có nhiều đường vẽ lằng nhằng bằng than và gạch của trẻ nhỏ, anh Duật nghĩ ngay đến con đường: “Chẳng ra gì những đường vẽ rối/ Là sơ đồ con trẻ nhà ai/ Là sơ đồ con đường ngày mai/ Con đường ta đi suốt đời không hết”. Sau này không thấy mấy câu thơ đó trong tập thơ nào, tôi coi đó là quà tặng của anh cho riêng tôi.

Chùm thơ anh Duật dự thi Báo Văn nghệ về đường Trường Sơn với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, “Lửa đèn” và “Nhớ” giành giải Nhất. Anh viết “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” gần gũi, thân mật, đầy tiếng cười lạc quan trên đường ra trận nhiều bom đạn: “Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

Anh viết về các cô thanh niên xung phong hàng ngày anh gặp tươi trẻ làm sao, dung dị đời thường làm sao: “Em đóng cọc dài quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để/ Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”. Trong chùm thơ dự thi có bài thơ “Lửa đèn” gây ấn tượng mạnh với người đọc về đêm chiến tranh dàn trận đánh giặc: “Trên đất nước đêm đêm/ Sáng những ngọn đèn/ Mang lửa từ nghìn năm về trước/ Lấy từ thuở hoang sơ/ Giữ qua đời này đời khác/ Vùi trong tro trấu nhà ta”.

2. Ngõ số 9 phố Yên Thế, nơi tụ tập anh em văn nghệ với gia đình anh Duật. Ở đó không hẳn là nhà, chỉ là quây tạm một mái che đặt lọt một chiếc giường. Mọi sinh hoạt của vợ chồng con cái anh trên chiếc giường này. Người lính sau chiến tranh trở về, nhiều người cũng khó khăn như anh. Ở đây, nhà chật hẹp nhưng lòng rộng mở nên bạn bè kéo đến tụ họp vì thơ với anh Duật cũng chỉ một chiếc giường đó.

Đang ngồi nhâm nhi chén rượu, ông Tào Mạt cầm chén đứng lên giữa giường, nói, mây bay, mây bay, ý là nhìn thấy mây bay trong chén rượu, rồi hát: “Khi vui ta uống cả trời/ Ta về với đất là nơi sinh thành”... Rồi coi vuông chiếu là sàn diễn, ông Tào Mạt diễn cả cảnh chôn hề nổi tiếng của bộ chèo “Bài ca giữ nước”.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (đứng thứ hai, từ phải sang) tại Đại hội lần thứ V Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1995. Ảnh do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp.

Xem ra càng khó khăn, anh em văn nghệ sĩ sống với nhau càng tình nghĩa. Một hôm, đi dựng vở cho đoàn chèo ở địa phương về, ông Tào Mạt nhờ anh em khiêng vào nhà anh Duật bộ sa lông gỗ, nói, để cô chú cho khách đến chơi có chỗ mà ngồi. Anh Duật sáng đó đi vắng, bà Vân, vợ anh rất vui, muốn làm cơm đãi ông anh. Ông Tào Mạt từ chối, chỉ xin một mảnh giấy rồi phóng bút, viết bốn câu thơ chữ Nho, bảo, để vợ chồng cô chú chơi Tết.

Chúng tôi, kể cả anh Duật không đọc được chữ Nho, phải chạy đến nhờ ông đồ Đào Thái Tôn mới dịch được, đại thể: “Đông tàn, xuân vị đáo thi gia/ Lãnh táo, không bình, diệc nội ca/ Hốt kiến hủ tường, tân lịch ảnh/ Biên thùy chiến sĩ ngoạn đào hoa” (dịch nghĩa: Đông tàn, mùa xuân chưa đến nhà của nhà thơ/ Bếp còn lạnh, rượu chưa có, người vợ còn ca thán về cảnh nghèo/ Bỗng nhìn lên bờ tường cũ thấy treo tấm ảnh lịch mới/ Ảnh về cảnh nơi biên thùy người chiến sĩ ngắm hoa đào). Tết năm đó, chúng tôi chúc Tết nhau bằng mấy câu thơ của ông Tào Mạt.     

Gian nhà chỉ kê vừa một chiếc giường của vợ chồng anh Duật là địa chỉ của nhiều khách thơ. Một chiều chúng tôi đang chuyện thơ thì ông Xuân Diệu ôm bó hoa đến cảm ơn anh Duật vì có bài viết về ông in trên Báo Nhân Dân. Ông Xuân Diệu nói khéo, gớm cậu kiếm ở đâu mấy chữ để viết về tôi đọc khoái thế. Anh Duật nói, thì em mượn của cụ Nguyễn Du, chứ đâu. Ông Diệu nói, tôi cảm ơn cậu, tặng cậu một bó hoa, giá ngang năm bát phở Bát Đàn.   

Báo Văn nghệ mở cuộc thi thơ, ông Pờ Sảo Mìn không đem thơ mà đem đến nhà ông biên tập thơ của báo là Phạm Tiến Duật chiếc điếu ục của người Pa Dí, làm bằng ống bương lớn, khi hút phải nghiêng má mới kín miệng điếu mà hít hơi thuốc. Anh Duật hỏi Mìn, thơ dự thi đâu. Ông Mìn nói, trong đầu tôi. Rồi ông Mìn đọc bài thơ bất hủ “Cây hai ngàn lá” cho anh Duật nghe: “...Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng/ Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi ta sẽ hát đời mình”. Anh Duật nghe xong, nhập tâm, đến tận Báo Quân đội nhân dân, nơi có nhóm nhà thơ trẻ đang công tác, đọc cho cánh thơ trẻ nghe. Anh Duật có tật như thế, thấy thơ ai hay thì hí hửng đem đi khoe với mọi người, như là khoe của riêng mình.

3. Đọc thơ, thấy anh Phạm Tiến Duật có ba lần gây sóng chấn động trong thơ. Lần thứ nhất là thơ anh viết về Trường Sơn. Sóng chấn động lần thứ hai là những “Áo của hôm nào người của hôm nay”, “Nhớ đồng ca, hát đồng ca”, “Những vùng rừng không dân”... Sóng chấn động thứ ba của anh mới khác lạ, với một loạt tác phẩm ấn tượng viết về thời hòa bình, đặc biệt là trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa”. Thơ Phạm Tiến Duật vốn tươi rói, hồn nhiên, nhưng đến trường ca này thì nặng trĩu tâm tư: “Chẳng lẽ trong xóm mạc kia không có một nơi nào/ Đủ hơi ấm cho những người mấy chục năm ra trận/ Chẳng lẽ cuộc đời này quá nhiều lận đận/ Để những anh hùng mệt mỏi nghỉ rồi sao?”.

Ngoài thơ, Phạm Tiến Duật còn viết văn xuôi, phê bình tiểu luận về thơ. Tập phê bình tiểu luận “Vừa làm vừa nghĩ” sắc sảo và mới mẻ, viết về sáu vấn đề lớn của nghề viết, trong đó tập trung cao về thơ, bạn thơ, đó là vị trí thiên chức của nhà thơ nói riêng và nghề cầm bút nói chung trong đời sống xã hội; là vị trí và vai trò của tư tưởng trong tác phẩm văn học; là mối quan hệ giữa nhà văn và cuộc sống; là tâm lý và cá tính sáng tạo; là tâm lý sáng tác và lao động nghệ thuật...

Lý luận phê bình của Phạm Tiến Duật là những lời chia sẻ chân tình, thấu đáo và nồng ấm với bạn nghề, với bạn đọc. Dòng cuối cùng của cuốn sách lý luận phê bình kiểu Phạm Tiến Duật, anh viết về thơ, thốt lên là âm thanh bật ra không thể kìm nén, chủ thể cũng không thể kiểm soát được. Cái thốt lên bao giờ cũng thành thật, khác hẳn sự nói ra có sự lựa chọn của chủ thể. Thơ Hàn Mặc Tử chẳng hạn, luôn gây bất ngờ bởi văn học của ông ấy là văn học thốt lên.

Tôi viết vài dòng về Phạm Tiến Duật khi anh đã xa chúng ta mười bảy năm. Mười bảy năm mà với tôi và nhiều người yêu thơ, vẫn thấy anh còn đó, ở đó với người yêu thơ hôm nay; vẫn mến yêu đồng hành với hôm nay... Con người từng làm nên cả một Trường Sơn thơ ca đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên với tài sản thơ sống dài lâu với thời gian, anh xứng đáng được suy tôn là một anh hùng lao động trong văn học Việt Nam.

Nhà văn HÀ ĐÌNH CẨN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.