Nhân dịp này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân về tác phẩm mà ông đã dành rất nhiều tâm huyết để thể hiện.

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Phóng viên (PV): Động lực nào đã thôi thúc nhà thơ thực hiện Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tiếp tục truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước đã để lại những trang sử chói sáng cho thế hệ hôm nay, với niềm tự hào chung của dân tộc, đó chính là động lực để tôi viết Trường ca này. 

PV: Trong tập Trường ca, nhà thơ đã sử dụng thể loại thơ ra sao để người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trường ca thơ “Giao hưởng Điện Biên” gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy.

Trong tác phẩm, tôi sử dụng lời thơ mộc mạc, ý tứ sâu sắc, thể thơ bát ngôn dễ đọc, dễ hiểu với mục đích để “Giao hưởng Điện Biên” sẽ trở thành một tác phẩm dễ đọc, lan tỏa rộng rãi không chỉ trong cộng đồng người yêu thơ mà còn chinh phục nhiều đối tượng độc giả.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi ra mắt Trường ca  Giao hưởng Điện Biên”.

PV: Viết lịch sử bằng thơ, theo nhà thơ điều gì là quan trọng nhất?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi cho rằng, viết về lịch sử thì điều quan trọng hàng đầu là phải tôn trọng sự thật lịch sử. Chính vì thế, trong Trường ca này, độc giả sẽ cảm thấy những sự kiện lịch sử được "gia công" hơn so với sự bay bổng, cất cánh của những tập thơ khác.

Hơn nữa, viết về Điện Biên Phủ đối với tôi là niềm say mê. Ý định viết về chiến công lịch sử này đến với tôi từ những năm đầu của thế kỷ XXI, sau khi tôi đọc tập hồi ức “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Nhưng lúc đó một phần là do sự tích lũy vốn sống của tôi còn ít ỏi. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian tập trung vào công việc quản lý ở Hội Nhà văn Việt Nam. Do đó việc chuẩn bị cho tập Trường ca này chỉ thực sự đến với tôi từ sau khi nghỉ hưu.

Trong nhiều năm qua, tôi đã đọc lại tác phẩm nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhiều lần để tiếp nhận, thấm đẫm những giá trị cao quý về vẻ đẹp của hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và đặc biệt là thiên tài quân sự-Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

leftcenterrightdel
 Tập Trường ca.

Tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ. Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về chiến công oanh liệt này của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Để tôn trọng tính chân thực của lịch sử, trong tập Trường ca này, tôi đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm. Tôi đã viết thư xin phép gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình nhà văn Hữu Mai để đưa vào Trường ca những tư liệu lịch sử.

Trong Trường ca này, tôi muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm.

PV: Nhà thơ có gặp khó khăn gì khi thực hiện tác phẩm này?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tình cảm thì rất sâu nặng, nhưng khi thực sự bắt tay vào công việc thì tôi gặp không ít khó khăn, đó là viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc, khó hơn nữa là qua 70 năm, sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều và khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới? đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với người viết.

Suy nghĩ là như vậy nhưng làm được đến đâu còn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của người viết. Với tất cả sự thành tâm của mình, tôi chỉ dám xem “Giao hưởng Điện Biên” như một nén tâm nhang tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh”.

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Hữu Thỉnh ký tặng sách độc giả.

PV: Thông qua tác phẩm, nhà thơ muốn truyền tải thông điệp gì đối với thế hệ trẻ hôm nay?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trong phần cuối của tác phẩm, tôi lấy chủ đề “Khúc tưởng niệm” để muốn gửi gắm đến các thế hệ trẻ hãy tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua tác phẩm, góp phần khơi dậy tình yêu và lòng tự hào dân tộc, cũng như sự biết ơn các thế hệ trước đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về trao đổi này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.