Thực tế công tác xây dựng đời sống văn hóa ở thị xã Ninh Hòa cũng như tại tỉnh Khánh Hòa đã cho thấy: Để duy trì và nhân rộng những mô hình, cách làm sáng tạo về văn hóa, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và người yếu thế, cần có sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, các ngành, mà nòng cốt là những cán bộ từ cơ sở.

Sáng, sạch đường quê

Có dịp về thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những con đường bê tông sạch sẽ, rực rỡ sắc hoa; cá bơi lội tung tăng trong mương nước uốn quanh trước những ngôi nhà. Một thành viên trong đoàn công tác bày tỏ: “Cá sống được ở môi trường này nghĩa là chắc chắn nước không bị ô nhiễm”. Khi tôi hỏi nhiều người dân ở thôn Phong Ấp thì được giải thích: “Đó là nhờ ý thức cao và sự đồng lòng của người dân khi tình nguyện tham gia mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Mỗi nhà chung tay giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, rác thải để đúng quy định. Luân phiên các gia đình định kỳ thu gom rác đem đi tiêu hủy, vì thế mà vệ sinh trong thôn luôn được giữ gìn sạch sẽ. Không những cá mà nhiều sinh vật dưới nước đều sống tốt”.

Mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ở xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). 

Không chỉ mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, mà mô hình “Ánh sáng an ninh” cũng mang lại hiệu quả tích cực. Địa bàn thôn Phong Ấp rộng, với hơn 500 hộ gia đình. Trước đây, hầu hết các tuyến đường không có điện, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại ban đêm của người dân và học sinh, dẫn đến khó quản lý an ninh, trật tự. Trước khó khăn đó, được sự chấp thuận của lãnh đạo xã, cán bộ thôn Phong Ấp đã vận động các hộ dân lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường chính; sau đó phối hợp với các ngành của địa phương tiếp tục đầu tư cho những tuyến đường nhánh trong thôn, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Chúng tôi được biết, để duy trì mô hình này, ngoài cơ sở vật chất ban đầu, hằng năm, mỗi hộ dân đóng góp một khoản tiền nhất định, như năm 2021 là 70.000 đồng/hộ; riêng các hộ người già, neo đơn không phải nộp tiền. Số tiền này dùng để trả tiền điện, bổ sung mua dây, bóng điện... Hằng năm, trong buổi sơ kết hoạt động của khu dân cư, cán bộ thôn đều có báo cáo, công khai kết quả thu, chi và nêu lên những khó khăn, tồn tại; đồng thời biểu dương các cá nhân có đóng góp để duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Bí thư Chi bộ thôn Phong Ấp cho biết: “Khi người dân thấy được lợi ích của những hoạt động, mô hình mà cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất mang lại, họ sẽ nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Trong đó, cần nhất là sự tâm huyết, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ và công khai, minh bạch các việc làm, khoản thu, chi cũng như đóng góp của người dân thì mọi việc đều trôi chảy”.

Qua cách làm hiệu quả của thôn Phong Ấp, cấp ủy, chính quyền xã Ninh Bình đã chỉ đạo nhân rộng ở các thôn khác trên toàn xã, cùng với đó là nhiều mô hình mang lại hiệu quả trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội như: Câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; mô hình họ tộc không có người vi phạm pháp luật; câu lạc bộ ông bà cháu; câu lạc bộ không sinh con thứ ba... Các mô hình đã làm nòng cốt cho phong trào địa phương, duy trì hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hiện nay, toàn xã Ninh Bình có 8/8 thôn, 97,6% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; đời sống dân cư ngày càng được nâng lên, là điểm sáng văn hóa không những của thị xã Ninh Hòa mà ngày càng được nhân rộng trong toàn tỉnh Khánh Hòa.

Trong đợt kiểm tra mới đây, đồng chí Lương Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã biểu dương những kết quả mà thị xã Ninh Hòa nói chung, xã Ninh Bình nói riêng đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục phát huy, nhân rộng hơn nữa những điểm sáng văn hóa, mô hình hay trong thời gian tới. Những kết quả đó góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển của địa phương hằng năm, theo từng giai đoạn và trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều giải pháp để duy trì và nhân rộng

Những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm 2017 có 88% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa thì đến năm 2022, con số này là hơn 95%; năm 2017 có 73% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, thì đến năm 2022 là gần 95%. Một số xã, phường tiêu biểu như: Xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa), xã Vĩnh Phương, phường Vạn Thạnh, phường Phương Sài (TP Nha Trang)... Nhiều mô hình có sức lan tỏa như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Ban nhạc bộ đội Khánh Hòa”, Chương trình “Thắp sáng đường quê”, “Ánh sáng an ninh”... thật sự là những điểm sáng.

Nhân rộng cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả về văn hóa chính là thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận cao trong nhân dân. Song để duy trì và nhân rộng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể.

Theo đồng chí Lương Ngọc Việt, Chủ tịch UBND xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, các nội dung về văn hóa phải được đưa vào nội dung thi đua của cấp ủy, chi bộ, các thôn, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu thông qua chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thành viên ban chỉ đạo cần sâu sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt, thấy được những bất cập, hạn chế, cùng những đề đạt, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu, đề xuất sát đúng. Quá trình thực hiện, cần kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu và khen thưởng, động viên. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, huy động nguồn lực trong xây dựng phong trào của địa phương, quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, người yếu thế.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Các nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của Trung ương, địa phương cần có trọng tâm, trọng điểm; nêu rõ mục đích, ý nghĩa, các mô hình văn hóa mang lại cho người dân những lợi ích gì, từ đó họ sẽ quan tâm và ủng hộ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ý thức tự giác, tự nguyện của các gia đình, ý thức trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng ở khu dân cư”.

 Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục tình trạng chạy theo số lượng, thành tích; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, bảo đảm dân chủ, công khai trong việc đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và sinh hoạt của nhân dân.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN