Nhưng năm nay thì khác, tiếp nối truyền thống gia đình tôi lên đường nhập ngũ, trở thành nữ quân nhân, nên bố tôi đã lên kế hoạch đưa cả gia đình đi tham quan một số địa danh lịch sử. Bố tôi nói: "Hy vọng đây sẽ là một hành trình đáng nhớ với gia đình mình, khác hẳn những lần đi trước của chúng ta".

Một cách gợi ý của bố khiến tất cả thành viên trong gia đình chúng tôi đều cảm thấy hào hứng. Rồi đúng như chuyên ngành lục quân được đào tạo, bố tôi phổ biến kế hoạch cụ thể, chi tiết từng điểm đến của chuyến đi. Theo kế hoạch, điểm đến đầu tiên là Pò Hèn, điểm cuối là Sa Vĩ – nơi địa đầu của Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Đường vào khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đã hy sinh vì Tổ quốc. 

Pò Hèn! Một cái tên rất lạ mà tôi chưa từng nghe qua. Với sự nhanh nhạy của một "Gen Z" chính hiệu. Tôi nhanh chóng vào mạng xã hội xem đó là khu du lịch nào mà tôi chưa được nghe thấy như thế. Trang tìm kiếm hiện ra vô số thông tin về Pò Hèn, trái ngược hoàn toàn với những suy nghĩ của tôi. Những thứ tôi tìm được đó là một Khu di tích lịch sử - nơi ghi lại những giây phút chiến đấu anh dũng, hào hùng của quân và dân ta, trận chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cách đây hơn 44 năm. 

Với những thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 209 Pò Hèn đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thế rồi, những câu chuyện bố tôi kể về những con người anh dũng, về mảnh đất lịch sử của dân tộc khiến tôi cứ say sưa lắng nghe đến nỗi không biết thời gian, chặng đường Hà Nội - Móng Cái dường như ngắn lại.

leftcenterrightdel

Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.

Chuyến xe dừng lại tại ngay Khu tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, công trình được khởi công tôn tạo vào ngày 19-5-2010, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật của Bác và được khánh thành vào ngày 10-1-2011. Đây cũng là 1 trong 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Đón chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Pò Hèn - những người thường xuyên túc trực ở đây vào các dịp lễ, tết để hướng dẫn, giới thiệu cho bà con nhân dân đến tham quan Khu di tích lịch sử này. 

leftcenterrightdel

Tác giả bài viết cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm trước Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. 

Được sự giới thiệu của các đồng chí đồn Biên phòng Pò Hèn, tôi hiểu sâu thêm về trận địa Đồi Quế, trận địa chiến đấu của Trạm biên phòng Pò Hèn, về Đài tưởng niệm là 2 tấm bia bằng đá xanh.

Tấm thứ nhất khắc tên 45 liệt sĩ. Tôi đặc biệt chú ý đến sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm - người vượt vòng vây của địch để lên điểm chốt chiến đấu cùng với cán bộ, chiến sĩ tại đồn Pò Hèn. Người con gái ấy có mối tình đẹp với chiến sĩ Bùi Văn Lượng. Hai người đã lên kế hoạch làm đám cưới, đã báo cáo tổ chức nhưng chiến tranh xảy ra nên đám cưới bị hoãn. Hai người đã sát cánh chiến đấu và hy sinh bên nhau. Để rồi nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2017) đã diễn ra một đám cưới chưa từng có từ trước đến nay: "Đám cưới liệt sĩ" để kết nối hai gia đình liệt sĩ với nhau đúng như nguyện vọng trước khi hy sinh của hai đồng chí. 

Chuyến xe dần xa Khu di tích để đến Sa Vĩ nhưng trong tôi vẫn vang lên những giai điệu ca ngợi cô mậu dịch viên anh dũng Hoàng Thị Hồng Chiêm do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác:

"Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ, 

Mà hương thơm thắm mãi chẳng hề phai. 

Có những cuộc đời bình dị mà trong sáng, 

Gợi cho chúng ta một lẽ sống đẹp tuyệt vời"

Mỗi chuyến đi, mỗi điểm đến đối với tôi đều là một hành trình đầy cảm xúc, tự hào và biết ơn sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước. Chuyến đi này đã nhân lên trong tôi tình yêu Tổ quốc.

Bài, ảnh: THU HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.