Nhạc trưởng Honna Tetsuji bày tỏ sự ngưỡng mộ với tài năng của nhạc sĩ Phú Quang.

“Tôi có duyên nợ với âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang. Đó là vào tháng 8-2001, khi tôi quyết định đến Việt Nam để chơi cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, trong lần chỉ huy cho chương trình lần đầu tiên có một tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang, tôi đã rất ấn tượng. Trong suốt những năm làm việc tại Việt Nam cho đến nay, tôi đã rất ngưỡng mộ âm nhạc của ông. Cách đây 4 năm tôi có tham gia thu một chương trình về âm nhạc của Phú Quang, nhạc sĩ đã tặng tôi một cây đũa chỉ huy, khoảnh khắc đó tôi đã rất xúc động. Và trong chương trình tới, tôi sẽ cùng các nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục kể câu chuyện đẹp đẽ của âm nhạc Phú Quang tới đông đảo người hâm mộ”, nhạc trưởng Honna Tetsuji cho biết thêm.

Sau 2 đêm nhạc Phú Quang “Miền ký ức” diễn ra vào trung tuần tháng 10 vừa qua, được các con ông tổ chức nhân dịp Ngày sinh của nhạc sĩ, âm nhạc Phú Quang lại thêm lần nữa trở lại với công chúng Thủ đô nhân tròn 1 năm ngày ông rời cõi tạm. Vẫn trong không gian quen thuộc với âm nhạc Phú Quang là Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm nhạc diễn ra tối 8-12 tới, tưởng nhớ nhạc sĩ đã chọn một cái tên rất ý nghĩa “Mới thôi... mà đã một đời”.

 Ê kíp nghệ sĩ thực hiện đêm nhạc “Mới thôi... mà đã một đời” .

Chủ đề của chương trình vốn là tên một album của nhạc sĩ Phú Quang, được ông chăm chút cầu kỳ và phát hành vào những năm cuối đời mình. Ban đầu, việc xuất bản album này được ông coi như một cái ngoảnh lại để nhìn về những tháng năm đã qua bằng chính những bài hát cũ với những bản thu thanh mà ông cho là thành công nhất. Đó cũng là cách để nhạc sĩ hồi nhớ lại những người đã cùng ông làm nên những tác phẩm thành công trong sự nghiệp: Có thể là một tác giả thơ, một ca sĩ, một nhạc sĩ phối khí hay thậm chí là một người mang tới cho ông cảm hứng để tạo nên tác phẩm nào đó…

“Mới thôi... mà đã một đời” được ekip sản xuất lựa chọn để làm tên đêm nhạc Phú Quang - cũng chính là nén tâm nhang mà những người con, những người cộng sự thân thiết của nhạc sĩ trong nhiều năm qua muốn dành tặng cho ông trong dịp này.

Ngoài những ca khúc đã nằm lòng với người hâm mộ, như: “Em ơi Hà Nội phố”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Chiều phủ Tây hồ”, “Đêm ả đào”... chương trình còn mang đến những bản khí nhạc từng được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu quen thuộc của rất nhiều chương trình phát thanh; những trích đoạn nhạc phim nổi tiếng từng đạt nhiều giải thưởng; những trích đoạn giao hưởng được bạn nghề đánh giá cao như: “Tình yêu của biển”, Prelude “Ngày xa”, trích đoạn giao hưởng thơ “Ngoảnh lại”, nhạc phim “Bao giờ cho đến tháng 10”...

 Nhạc sĩ Phú Quang để lại dấu ấn tài năng âm nhạc với những tác phẩm đi vào đông đảo công chúng hâm mộ.

“Qua những tác phẩm, khán giả sẽ được biết đến Phú Quang với những sắc màu khác, những vai trò khác trong cuộc đời, sự nghiệp của ông”, nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang và là người giữ vai trò Chỉ đạo nghệ thuật chương trình, cho biết.

Bằng niềm tưởng nhớ thiêng liêng, chương trình được xây dựng công phu, quy mô lớn với sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng những tên tuổi: Ca sĩ Tùng Dương, Ngọc Anh, nghệ sĩ piano Trinh Hương, nghệ sĩ Flute Lê Thư Hương…

HÀ ANH